Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước từ 15h hôm nay, theo đó tất cả các mặt hàng đều tăng giá.
Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 560 đồng/lít, bán ra không cao hơn 21.292 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 564 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.007 đồng/lít.
Đáng chú ý, giá dầu diesel tăng mạnh tới 1.979 đồng/lít, bán ra không cao hơn 24.187 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 1.132 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.820 đồng/lít. Dầu mazut giữ nguyên giá 14.094 đồng/kg.
Ở kỳ điều hành này, do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VND tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nhẹ nên giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đều tăng. Nhà điều hành đã trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg).
Đồng thời, liên bộ chi quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi đối với các loại xăng dầu khác.
Người dân chen nhau mua xăng tại một cây xăng ở Hà Nội tối 10/10. (Ảnh: Công Hiếu)
Tại kỳ điều hành trước đó, giá xăng E5 RON92 giảm 1.049 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, bán ra không cao hơn 20.732 đồng/lít; giá xăng RON95 giảm 1.141 đồng/lít, bán ra không cao hơn 21.443 đồng/lít.
Trong khi, giá dầu diesel giảm 328 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.208 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 753 đồng/lít, bán ra không cao hơn 21.688 đồng/lít. Dầu mazut giảm 562 đồng/lít, bán ra không cao hơn 14.094 đồng/kg.
Liên quan đến thị trường xăng dầu, tối 10/10, Bộ Công Thương phát đi thông cáo cho biết những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…
Tuy nhiên, hiện tượng này được đánh giá không phải phổ biến, do chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.
Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Nhằm ổn định thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương cho hay đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu, cũng như sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) ở mức phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp tạo nguồn.
Bộ khẳng định đã phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.
"Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp", Bộ trưởng Tài chính khẳng định.