Trong 7 phiên điều chỉnh giá xăng dầu kể từ tháng 12/2020 đến nay, chỉ một phiên duy nhất giá xăng dầu không tăng vào dịp cận Tết Nguyên đán do Nhà nước chủ trương giữ giá nhưng đổi lại phải mạnh tay chi quỹ bình ổn. Hiện giá xăng đang ở mức cao nhất trong vòng gần 1 năm nay, tính từ đợt điều chỉnh giữa tháng 3/2020.
Đây là tin không mấy vui vẻ đối với hầu hết các doanh nghiệp vận tải. Bởi lẽ xăng dầu tăng đồng nghĩa với chi phí tăng, dẫn đến lợi nhuận giảm nếu không tăng giá dịch vụ. Trong khi đó, nếu tăng cước vận chuyển theo giá xăng dầu thì lại nguy cơ mất khách, mất thị phần, nhất là khi thị trường vốn đã lao đao, đóng băng sau nhiều lần COVID-19 bùng phát khiến nhiều địa phương phải đóng cửa với các loại hình vận tải công cộng.
"Lo thì có lo, nhưng vẫn mừng"
Nói về nỗi lo khi giá xăng dầu không ngừng tăng ngay thời điểm "hậu COVID-19", đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, không thể không lo nhưng vẫn thấy mừng. Vì giá xăng dầu tăng là dấu hiệu cho thấy tác động của dịch bệnh đang dần suy yếu.
Để giữ khách sau COVID-19, doanh nghiệp vận tải không điều chỉnh giá cước dù giá xăng dầu liên tục tăng.
Trả lời VTC News, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt cho biết giá xăng dầu tăng là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi. Cùng với đó, lượng khách sử dụng dịch vụ vận tải của Sao Việt đã đạt khoảng 50% so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Chính vì thế, doanh nghiệp này chưa có kế hoặc tăng giá cước mặc dù giá xăng dầu tăng. “Lượng khách hiện vẫn còn hạn chế mặc dù có dấu hiệu phục hồi. Dù giá xăng còn tiếp tục tăng, chúng tôi hiện cũng không dám nghĩ đến chuyện tăng giá cước dịch vụ. Đại dịch COVID-19 tác động quá tồi tệ đến nền kinh tế nói chung, khiến ngành vận tải cũng lao đao. Giá xăng dầu tăng, khách cũng bắt đầu đông trở lại đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của COVID-19 đang giảm. Hiện chúng tôi chỉ mong COVID-19 được đẩy lùi hoàn toàn, không bùng phát trở lại nữa”, ông Bằng chia sẻ.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cũng cho rằng đây chưa phải thời điểm tăng giá cước vận tải cho dù giá xăng dầu có tăng thêm nữa.
“Khó khăn đến từ việc xăng dầu tăng giá được coi như khó khăn chung do tác động của đại dịch COVID-19, chúng tôi chấp nhận cho dù có phải chịu lỗ. Chỉ mong sao đại dịch sớm qua đi để nhu cầu di chuyển trở lại bị thường”, ông Hải nói.
Trong khi đó, Ông Nguyễn Đàm Văn - Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh nhận định việc giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian vừa qua là dấu hiệu kinh tế thị trường cho thấy tác động của đại dịch COVID-19 đang giảm xuống và đây là một tín hiệu tốt.
“Giá xăng dầu cứ tăng liên tục khiến doanh nghiệp cũng nóng ruột. Đại dịch xảy ra đã giáng một đòn đau vào Văn Minh cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác. Bây giờ thêm một đòn đau nhẹ hơn rất nhiều thì cũng không thấm vào đâu. Điều quan trọng nhất là đại dịch COVID-19 có dấu hiệu đang dần qua và đây là điều khiến chúng ta nên phấn chấn”, ông Văn nói.
Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải khác cho biết, để đảm bảo nguồn lợi nhuận ít ỏi vừa thu được sau đợt COVID-19, doanh nghiệp sẽ phải cân đối chi phí, chuẩn bị các phương án để hạn chế lỗ, đảm bảo hoạt động ổn định để không tăng giá cước dịch vụ. Có như thế mới giữ được lượng khách hàng vừa quay lại, từ đó dần dần lấy lại thị phần.
Giá xăng dầu dự báo còn tăng
Thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tục biến động theo chiều hướng tăng. Trong 7 phiên điều chỉnh giá xăng dầu kể từ tháng 12/2020 đến nay, chỉ một phiên duy nhất giá xăng dầu không tăng vào dịp cận Tết Nguyên đán do Nhà nước chủ trương giữ giá nhưng đổi lại phải mạnh tay chi quỹ bình ổn.
Gần đây nhất, sau đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của Liên bộ Công thương - Tài chính vào ngày 12/3, xăng E5 RON92 có giá bán lẻ tối đa là 17.722 đồng/lít; còn xăng RON95 có giá bán không cao hơn 18.841 đồng/lít. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng gần 1 năm nay.
Giá xăng liên tục tăng dù cơ quan điều hành đã 8 lần liền trích quỹ bình ổn.
Bộ Công Thương cho hay trong các kỳ điều hành gần đây nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, liên bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục quỹ bình ổn giá ở mức khá cao. Trước đà tăng của giá xăng dầu thế giới, cơ quan điều hành đã 8 lần liền trích quỹ bình ổn, sử dụng quỹ đặc biệt. Mặt hàng E5 bù tới 2.000 đồng/lít nhưng giá vẫn tăng.
Nhiều dự báo cho rằng giá dầu thế giới có thể lên tới 100 USD/thùng trong thời gian tới, khi mà các nhà sản xuất dầu chủ chốt tiếp tục duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Triển vọng phục hồi nhu cầu nửa cuối năm 2021 của nền kinh tế, việc tiêm phòng vaccine COVID-19 trên diện rộng sẽ làm nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh, đặc biệt "bùng nổ" vào mùa hè cũng như các tháng cuối năm. Những yếu tố này có thể sẽ đẩy giá dầu tăng mạnh nhất trong một thập niên.
Giá xăng dầu thế giới chịu tác động của diễn biến dịch bệnh. Trong bối cảnh nhiều nước đã kiểm soát được dịch, đẩy mạnh tiêm vaccine và mở cửa thị trường để phát triển kinh tế thì nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng cao. Trong khi đó các nước sản xuất dầu mỏ thuộc OPEC vẫn cương quyết cắt giảm sản lượng ở mức cao, nên đã tác động đáng kể đến giá xăng dầu quốc tế.