Sáng 17/9, giá dầu Brent giao dịch ở mức 93,93 USD/thùng, tăng 0,25% (tương đương tăng 0,23 USD), giá dầu WTI đóng cửa ở mức 91,20 USD/thùng, tăng 0,56% (tương đương tăng 0,51 USD).
Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất 10 tháng qua do lo ngại nguồn cung tiếp tục thắt chặt khiến các doanh nghiệp dự báo, giá xăng dầu trong nước tuần tới có thể được điều chỉnh tăng mạnh theo xu hướng trên thế giới.
Trả lời VTC News, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước dự báo, tuần tới liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước và theo xu hướng tăng cao so với giá bán hiện hành. Nguyên nhân là do giá dầu trên thế giới tăng cao nhất trong 10 tháng qua.
“Dự báo, giá xăng dầu kỳ điều chỉnh tới (21/9) có thể tăng 950 đồng/lít đối với xăng và 900 đồng/lít/kg với dầu. Tuy nhiên, giá xăng dầu cũng có thể tăng thấp hơn nếu liên bộ trích lập quỹ bình ổn", đại diện một doanh nghiệp bán lẻ dự báo.
Dự báo giá xăng được điều chỉnh tăng mạnh trong kỳ điều hành ngày 21/9 (Ảnh minh hoạ: Công Hiếu).
Tương tự, ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Phương Nam (Lâm Đồng) nhận định, với diễn biến giá dầu thế giới như hiện nay, giá xăng có thể được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng 800 đồng/lít, dầu có thể tăng 700 đồng/lít/kg.
“Tuy nhiên, việc tăng giá cụ thể thế nào còn phục thuộc vào 3 phiên giao dịch tiếp theo trên thế giới và phụ thuộc vào việc liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn thì giá xăng dầu như thế nào. Chúng tôi cũng không hy vọng liên bộ trích quỹ bình ổn giá, bởi thời gian qua, giá xăng dầu trong nước liên tiếp tăng đến 6 lần nhưng liên bộ cũng không xả quỹ”, ông Phương nói.
Trả lời VTC News chiều 16/9 về việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc có nên tồn tại Quỹ Bình ổn xăng dầu hay không là việc được bàn luận rất nhiều lần.
Hiện Nhà nước có 2 phương thức quản lý giá, gồm trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, phương thức quản lý giá trực tiếp, Nhà nước sẽ quy định giá trần, giá sàn. Với phương thức gián tiếp, Nhà nước không quy định cụ thể nhưng khi có biến động, Nhà nước sử dụng công cụ tài chính can thiệp như giảm thuế, phí, cho vay vốn lãi suất thấp để tăng nguồn cung. Mặt hàng xăng dầu đang được Nhà nước quản lý dưới phương thức quản lý gián tiếp.
Theo ông Long, việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều cơ quan chức năng kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu, nhưng khi Nhà nước còn quản lý giá thì phải còn quỹ. Bối cảnh hiện nay, việc duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu cần thiết để phòng ngừa rủi ro, dù trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có quỹ này.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/9 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON92 vẫn giữ mức 23.471 đồng/lít, xăng RON95 giữ mức 24.871 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 410 đồng/lít, không cao hơn 23.055 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 374 đồng/lít, không cao hơn 23.188 đồng/lít và giá dầu mazut giữ nguyên 17.704 đồng/kg, mức giá từ kỳ trước.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi sử dụng quỹ bình ổn đối với hai mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa; chỉ sử dụng đối với xăng và dầu mazut.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 26 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Lúc 6h30 ngày 17/9, giá dầu Brent giao dịch ở mức 93,93 USD/thùng, tăng 0,25% (tương đương tăng 0,23 USD), giá dầu WTI đóng cửa ở mức 91,20 USD/thùng, tăng 0,56% (tương đương tăng 0,51 USD)..
Giá dầu thế giới đã tăng liên tiếp những ngày qua (11-16/9).
Nguyên nhân là do nguồn cung tiếp tục thắt chặt, các cường quốc hàng đầu thể giới về hoạt động khai thác (Nga và Saudi Arabia) đã giảm sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang phục hồi và phát triển tốt, báo hiệu sự mở rộng nhu cầu dầu toàn cầu.
Tính theo tuần, cả hai loại dầu này đã tăng khoảng 4%, phá mốc 90 USD/thùng từ ngày 12/9 khi đạt mức giá giao dịch cao nhất trong 10 tháng và liên tục xác lập các mốc mới của năm 2023 trong những ngày sau đó. Tính trung bình hàng quý, giá dầu cũng đang hướng tới mức tăng lớn nhất kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu vào quý I/2022.
Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong 10 tháng qua (Ảnh minh hoạ).
Bên cạnh đó, Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao của Công ty tài chính OANDA cho biết, giá dầu thô tiếp tục xu hướng tăng, sau khi báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt hơn rất nhiều so với dự báo trước đó.
Từ đầu tháng 9/2023, Saudi Arabia và Nga đã gia hạn lệnh cắt giảm sản lượng, tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày, cho đến cuối năm nay.
Tuần trước, Libya, một thành viên của OPEC, đã phải đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu ở phía Đông đất nước do một cơn bão mạnh. Không những vậy, Kazakhstan, thành viên của OPEC và các đối tác (OPEC+) thông báo cắt giảm sản lượng dầu hàng ngày để bảo trì hệ thống nên ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường dầu mỏ thế giới.
Trước động thái hạn chế sản xuất của Saudi Arabia và Nga, cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/9 cảnh báo, việc này có thể sẽ dẫn đến tình trạng “thâm hụt thị trường đáng kể” trong quý IV/2023.