Tính đến cuối giờ chiều nay 31/12, giá vàng SJC đang được giao dịch phổ biến ở mức 55,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, so với giá vàng hồi đầu năm ở mức khoảng 42 triệu đồng/lượng, thì giá kim loại quý đã tăng gần 14 triệu đồng/lượng.
Theo Tổng cục Thống kê, trong cả năm 2020, giá vàng trong nước biến động theo giá thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 12/2020 giảm 0,83% so với tháng 11 nhưng tăng 30,95% so với cùng kỳ năm 2019.
Bình quân cả năm 2020, chỉ số giá vàng đã tăng 28,05% so với năm 2019. Cụ thể, vàng miếng SJC cuối năm 2019 được bán ra 42,62 triệu đồng/lượng.
Đặc biệt, trong năm 2020, có thời điểm giá vàng SJC được đẩy lên tới hơn 62 triệu đồng/lượng - mức kỷ lục lịch sử. Thị trường vàng trong nước diễn ra khá sôi động trong quý II và quý III/2020. Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm, lượng giao dịch khá ảm đạm.
Đại diện một số cửa hàng kinh doanh vàng tại Việt Nam cho biết, dù giá vàng vẫn tăng nhanh theo xu hướng chung của thế giới nhưng do đà tăng trải dài thành hàng tuần, hàng tháng nên giao dịch khá trầm lắng trong khoảng 3 tháng gần đây.
Giá vàng liên tục tăng cao trong năm 2020.
Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước luôn tuyên bố sẵn sàng các kịch bản ứng phó, can thiệp thị trường vàng, ngoại tệ nếu cần thiết, giúp ổn định tâm lý người dân và giới đầu tư trong nước.
Thực tế theo thông lệ hàng năm, do tâm lý thị trường cũng như những nhu cầu về tài chính dịp cuối năm, giới đầu tư sẽ bán vàng để lấy tiền chi tiêu, khiến giá kim loại quý nhìn chung sẽ giảm trong những tháng cuối năm và đầu năm sau.
Tuy nhiên, bối cảnh năm nay có thể sẽ tạo ra diễn biến khác, nhất là khi chỉ số USD Index (chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD với các đồng tiền khác trên thế giới) đang ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua - mức dưới 92 điểm, tạo áp lực giúp giá vàng không bị giảm quá sâu dù các nhà đầu tư đang bán tháo.
Giới phân tích quốc tế nhận định, về dài hạn, giá vàng vẫn có nhiều diễn biến tích cực, do vàng là “hàng rào” hữu ích để ngăn chặn lạm phát và suy giảm tiền tệ khi nhiều quốc gia tung ra các gói cứu trợ kinh tế.
Giá vàng thế giới trong năm 2020 cũng liên tục trồi sụt, nhất là trước sự “bi quan” của các nhà đầu tư về triển vọng kinh tế khi bị đại dịch COVID-19 “đánh gục”.
Giá vàng khởi động năm 2020 chỉ ở mức 1.528 USD/ounce, nhưng ngay sau đó đã được liên tục phá đỉnh, lập nhiều kỷ lục về giá mới.
Thời điểm đầu năm, do nỗi lo về dịch bệnh COVID-19, giá vàng liên tục tăng mạnh. Đến thời điểm đầu tháng 8/2020, giá vàng thế giới lên hơn 2.200 USD/ounce, mức giá cao nhất 10 năm qua.
Nhưng càng đến cuối năm, trước những thông tin tích cực về vaccine phòng chống COVID-19, cũng như diễn biến khả quan của cuộc chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng, giá vàng đã có những biến động “nhẹ nhàng” hơn, lùi xuống dưới mốc 1.800 USD/ounce.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 11/2020, giá vàng thế giới tăng, giảm liên tục. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/11/2020 giảm 1,27% so với tháng 10/2020. Nhưng theo các chuyên gia, trong gần 1 năm qua, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 26% so với cuối năm 2019.
Theo số liệu từ Hiệp hội Vàng thế giới, tổng nhu cầu đầu tư vàng toàn cầu (vàng thỏi, tiền vàng và các quỹ hoán đổi danh mục - ETFs chuyên đầu tư vàng) trong 9 tháng đầu năm 2020 lên tới 1.630 tấn, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2019.