Cụ thể, lúc 15h, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua - bán vàng tại mức 66,35 - 66,95 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng ở cả hai chiều so với phiên liền trước. Đà giảm này đã đưa giá vàng miếng SJC rơi xuống vùng thấp nhất tính từ ngày 1/5 đến nay.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI giữ nguyên giá giao dịch vàng miếng SJC so với cuối ngày 29/5, hiện ở 66,35 triệu đồng/lượng (mua) và 66,95 triệu đồng/lượng (bán).
Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý và Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện cùng niêm yết giá vàng ở mức 66,40 - 66,95 (mua - bán).
Cùng chung xu hướng giảm, giá vàng miếng tại hầu hết doanh nghiệp khác đều đã rời mốc 67 triệu đồng/lượng trong chiều nay.
Giá vàng trong nước giảm xuống dưới mức 67 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục suy giảm sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố đã đạt được thỏa thuận gia hạn trần nợ công đến tháng 1/2025. Tuy nhiên, việc gia hạn nợ công còn phải được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua vào ngày 5/6.
Trong khi đó, thị trường tiếp tục dự báo Mỹ sẽ có một đợt tăng lãi suất vào tháng 6 và đến tháng 7 còn tăng tiếp. Khi đó, đồng USD sẽ tăng giá rất mạnh, tạo sức ép lên giá vàng thế giới.
Trước bối cảnh trên, nhà đầu tư đã hạn chế giao dịch vàng, khiến giá kim quý thế giới biến động không đáng kể, hiện đứng ở mức 1.943 USD/ounce.
Mức giá này quy đổi ra tiền Việt tương đương khoảng 55,43 triệu đồng/lượng (theo tỷ giá USD tại Vietcombank). Như vậy, giá vàng thế giới hiện thấp hơn khoảng 11 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng SJC và thấp hơn 1 triệu đồng so với vàng nhẫn 99,99.