Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá vàng nhẫn trơn cao nhất năm, đạt 5,8 triệu đồng/chỉ

(VTC News) -

Giá vàng nhẫn trơn hôm nay 20/9 leo lên mức cao nhất trong năm khi đạt 5,8 triệu đồng/chỉ.

Lúc 10h sáng nay, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 5,7 - 5,8 triệu đồng/chỉ (mua - bán ra), tăng 200.000 đồng/chỉ so với hôm trước.

Tương tự, Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 5,71 - 5,8 triệu đồng/chỉ, tăng 250.000 đồng/chỉ.

Giá vàng nhẫn được các thương hiệu vàng bán ra tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Theo đó, mỗi lượng vàng bán ra tăng gần 3 triệu đồng.

Cùng thời điểm, giá vàng miếng tiếp tục tăng nhẹ, duy trì ở mức trên 69 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 68,4 - 69,15 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng so với sáng qua. 

Giá vàng nhẫn tăng cao nhất trong năm. (Ảnh: Công Hiếu).

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC 68,55 - 69,4 triệu đồng/lượng tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng SJC ở mức mua vào 68,6 triệu đồng, bán ra 69,28 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng. Nhẫn tròn có gá 57,32- 58,22 triệu đồng/lượng, tăng 240.000 đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng được niêm yết trên Kitco ở mức 1.936 USD/ounce, tăng 3 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. 

Giá vàng hôm nay trầm lắng khi chờ đợi những thông tin liên quan đến cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). 

Cuộc họp sẽ kết thúc vào ngày 20/9 (giờ Mỹ) với quyết định của Fed và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Cả giới đầu cơ giá lên và giới đầu cơ giá xuống đều tỏ ra thận trọng trước khi nghe ngóng được quan điểm chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian tới.

Hiện tại, hầu hết đều dự báo, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan thiết lập chính sách của Fed, sẽ ủng hộ chính sách tiền tệ của Mỹ và không tăng lãi suất tại cuộc họp lần này.

Trong một bài viết trên Tạp chí phố Wall, các chuyên gia cho rằng, việc giá dầu tăng cao đang có thể khiến việc “hạ cánh mềm” không thực hiện được. Nhìn vào những năm 1970, giá năng lượng tăng cao đã góp phần đẩy nước Mỹ vào suy thoái. Điều này cũng xảy ra vào những năm 1980 và 1990, khi chúng đẩy lạm phát lên cao và cướp đi sức mua của người tiêu dùng.

Các chuyên gia cho rằng, những cú sốc về nguồn cung như giá dầu leo thang khiến Fed rơi vào tình thế khó khăn khi nó vừa khiến lạm phát tăng cao, vừa kiềm chế tăng trưởng kinh tế, buộc Fed phải loay hoay không biết nên giữ nguyên lãi suất hay tiếp tục tăng để kiểm soát lạm phát.

Ngọc Vy

Tin mới