Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch cuối cùng của tháng 11 với phiên tăng nhẹ nhưng vẫn giao dịch dưới vùng 1.800 USD/ounce.
Cụ thể, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới đã đóng cửa tuần ở mức 1.791,8 USD/ounce, tăng nhẹ 2,7 USD so với cuối phiên liền trước. Tuy nhiên, so với cuối tuần trước, mức giá này vẫn thấp hơn 53 USD, tương đương mức giảm ròng gần 3% trong tuần.
Đây cũng là mức giảm mạnh nhất mà kim quý thế giới ghi nhận kể từ tháng 7 đến nay.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với giá vàng tương lai giao tháng 12 khi đóng cửa tuần này ở mức 1.792,3 USD/ounce, thấp hơn 3% so với một tuần trước.
Theo các chuyên gia phân tích, lý do chính khiến vàng thế giới lao dốc tuần này đến từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao và đồng USD mạnh hơn.
Diễn biến giá vàng thế giới tuần này. Nguồn: Tradingview.
Đầu tuần, chỉ số USD-Index đo sức mạnh đồng bạc xanh có thời điểm tăng lên gần mức 97 điểm, cao nhất kể từ tháng 7/2020 đã khiến giá kim quý giảm sâu trên toàn thị trường.
Tuy nhiên, việc chỉ số này giảm về vùng 96 điểm trong 2 phiên cuối tuần đã giúp thị trường vàng cân bằng lại. Dù vậy, lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn đang tác động tiêu cực lên giá mặt hàng này.
Ngoài ra, giá vàng thế giới tuần này cũng chịu áp lực trước thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử ông Jerome Powell tiếp tục làm chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) thêm 2 nhiệm kỳ. Các chuyên gia cho rằng ông Powell có quan điểm tiêu cực hơn với tình trạng lạm phát tăng cao hiện này và có thể đẩy nhanh các chính sách cắt giảm cung tiền cũng như tăng lãi suất.
Nếu các biện pháp này được áp dụng, giá vàng sẽ chịu tác động tiêu cực.
Cùng diễn biến với thế giới, giá vàng nhẫn tại các doanh nghiệp trong nước cũng giảm sâu tuần này, bất chấp việc đã phục hồi trong 2 phiên cuối tuần.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng nhẫn 99,99 ở mức 51,75-52,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng so với cuối ngày 26/11, nhưng thấp hơn 750.000 đồng so với cuối tuần trước, tương đương mức giảm ròng 1,4%.
Diễn biến giá vàng thế giới tuần này. (Nguồn: Tradingview)
Tương tự, giá vàng nhẫn tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện phổ biến ở mức 51,6 triệu/lượng (mua) và 52,4 triệu/lượng (bán), cũng cao hơn 100.000 đồng so với hôm qua nhưng thấp hơn 1,2 triệu so với cuối tuần trước. Tính riêng tuần này, giá vàng nhẫn PNJ đã giảm 2,2%.
Nếu so với đỉnh ghi nhận trong phiên 18/11, giá vàng nhẫn tại PNJ cũng đã giảm 1,6 triệu đồng. Tương tự, giá vàng nhẫn tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện phổ biến ở mức 51,6 triệu/lượng (mua) và 52,4 triệu/lượng (bán), cũng cao hơn 100.000 đồng so với hôm qua nhưng thấp hơn 1,2 triệu so với cuối tuần trước. Tính riêng tuần này, giá vàng nhẫn PNJ đã giảm 2,2%.Trái ngược với diễn biến của vàng nhẫn và vàng thế giới, giá vàng miếng trong nước lại tăng vọt trong tuần này.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC đóng cửa tuần trước ở mức 59,3 - 60,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Sau khi giảm mất mốc 60 triệu đồng trong 2 phiên đầu tuần này, giá vàng miếng đã phục hồi nhanh trở lại và kết tuần ở mức 60,05 triệu/lượng (mua) và 60,9 triệu/lượng (bán). Như vậy, giá vàng miếng SJC vẫn tăng 400.000 đồng tuần này.
Tương tự, giá vàng miếng tại PNJ đầu tuần này đã giảm mạnh xuống vùng 58,6 triệu/lượng (mua) và 59,4 triệu/lượng (bán). Tuy nhiên, giá mặt hàng này cũng phục hồi nhanh trong 4 phiên cuối tuần, hiện được mua vào ở mức 60,3 triệu/lượng và bán ra ở 61 triệu đồng.
So với cuối tuần trước, giá vàng miếng tại PNJ cũng đã tăng gần nửa triệu đồng. Còn nếu so với vùng thấp nhất trong tuần, vàng miếng PNJ đã tăng tới 1,6 triệu đồng.
Với diễn biến trái chiều kể trên, hiện chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục ở mức 11,7 triệu đồng/lượng. Trong đó, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện chỉ vào khoảng 49,2 triệu/lượng.
Điều này đồng nghĩa với việc người mua vàng miếng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn 23,8% so với thế giới.