Giá vàng thế giới tăng nhẹ sau khi chịu áp lực chốt lời khi lên đỉnh cao 6 tháng. Một số dự báo cho rằng đây là “cơ hội cuối cùng” để mua vàng ở mức giá thấp như thế này.
Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại AvaTrade - Naeem Aslam cho biết, giá vàng tiếp tục giao dịch trên ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.800 USD/ounce. Đây là mức được cả phe mua và phe bán theo dõi chặt chẽ.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây có thể là cơ hội cuối cùng để mua vàng và bạc với giá thấp như vậy. Mức thấp nhất của vàng có thể là 1.800 USD/ounce và bạc là khoảng 24 USD/ounce.
+ Giá vàng trong nước
Lúc 14h chiều 31/12, trên sàn giao dịch của Doji, giá vàng được niêm yết ở mức 65,65 - 66,65 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Giá vàng tăng nhẹ, khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm.
Trong khi đó, trên sàn giao dịch của SJC, vàng SJC có giá mua vào là 66 triệu đồng/lượng, bán ra là 67 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 53 - 54 triệu đồng/lượng.
+ Giá vàng quốc tế
Giá vàng thế giới chiều nay đứng ở ngưỡng 1.824 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12/2022 đứng ở ngưỡng 1.825 USD/ounce.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, tạo sức ép giảm lên vàng. Theo công ty nghiên cứu BCA, thị trường lạc quan về vàng. Fed tăng lãi suất đạt đỉnh, lạm phát cao liên tục và bất ổn kinh tế toàn cầu hỗ trợ giá vàng trong năm tới.
Diễn biến giá vàng trong năm 2023 phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Fed và tác động của đồng USD. Trong bối cảnh bất ổn giao tăng, Fed ôn hoà, USD suy yếu. Vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn.
Theo BCA, các ngân hàng trung ương bắt đầu giảm lãi suất vào cuối năm sau hoặc đầu 2024. Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất từ 5-5,25% trong nửa đầu năm 2023.
Giá vàng còn được hỗ trợ bởi việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Giới đầu tư đang theo dõi sát sao quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc, do những tác động của nền kinh tế thứ 2 thế giới đối với triển vọng kinh tế và các thị trường tài chính trên toàn cầu.
Ông Juerg Kiener, Giám đốc điều hành Công ty quản lý đầu tư Swiss Asia Capital nhận định, trong năm 2023, thị trường vàng thế giới sẽ chứng kiến sự biến động lớn, không chỉ là 10-20% mà sẽ “thực sự tạo ra những mức cao mới” vì nỗi lo suy thoái kinh tế.
Ông Kiener dự đoán giá vàng thế giới có thể dao động trong mức từ 2.500-4.000 USD/ounce trong năm tới.
Theo vị chuyên gia này, trong quý I/2023, nhiều nền kinh tế có thể phải đối mặt với tình trạng suy thoái và các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất. Chính điều này sẽ ngay lập tức khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng bởi đây là công cụ phòng ngừa lạm phát rất tốt, là “sản phẩm tuyệt vời” trong thời kỳ lạm phát đình trệ và là danh mục đầu tư bổ sung hiệu quả.
Trên thực tế, giá vàng ảnh hưởng trực tiếp rất lớn từ diễn biến của đồng USD. Việc các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, tăng lãi suất đã làm giảm sự hấp dẫn của vàng vì chúng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời.
Thời gian tới, ông Kiener cho rằng,các nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến các diễn biến trong khu vực có thể tác động đến giá vàng.
Thứ nhất, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ khiến nền kinh tế nước này dần phục hồi và qua đó nhu cầu vàng ở quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới cũng sẽ tăng trở lại trong năm 2023. Reuters cho biết đầu tháng 12/2022, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố đã bổ sung khoảng 1,8 tỉ USD vàng vào kho dự trữ, nâng tổng giá trị tích lũy lên khoảng 112 tỉ USD.
Thứ hai, nền kinh tế Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng tới 5,9% trong năm 2023 và sẽ góp phần không nhỏ thúc đẩy nhu cầu vàng vật chất ở quốc gia này gia tăng.
Thứ ba, việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng dữ trự sẽ khiến nhu cầu vàng vật chất gia tăng, từ đó thúc đẩy giá vàng tăng trong năm 2023.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua tổng cộng 400 tấn vàng trong quý III, tăng gấp 4 lần so với một năm trước đó và đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1967.