Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá vàng giảm sâu, nhiều người trả nợ bằng vàng tiếc đứt ruột

(VTC News) -

Thời điểm giá vàng phi mã, nhiều người vay bằng vàng cắn răng trả nợ khi đến hạn, nhưng chỉ một vài hôm sau giá bất ngờ hạ nhiệt khiến họ không khỏi xót xa.

Anh Nguyễn Văn Hưng (ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, năm 2020 anh vay 10 cây vàng từ một người bạn, hạn trả là đầu tháng 3/2022. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2, giá vàng đã tăng phi mã khi liên tục thiết lập những mức giá kỷ lục. 

"Thấy giá vàng tăng quá nhanh mà sắp đến hạn trả bạn, tôi lo lắng và cố chờ đợi, nhưng càng chờ thì giá càng đội lên. Lần lữa mãi cũng ngại, khi giá vàng chạm ngưỡng 72 triệu đồng/lượng vào ngày 7/3, tôi buộc phải cắn răng mua vì sợ giá sẽ tăng tiếp”, anh Hưng chia sẻ.

Giá vàng SJC giảm sâu sau nhiều ngày tăng dữ dội.

Như vậy, so với hồi năm 2020 khi anh Hưng vay bạn bằng vàng với giá chỉ 48 triệu đồng/lượng, 10 cây vàng là 480 triệu đồng, thì nay anh Hưng phải trả số tiền 720 triệu đồng.

Biết vàng biến động như này thì tôi không dám vay, giờ không khác nào vay nặng lãi cả”, anh Hưng nhăn nhó.

Điều đáng nói là sau khi trả nợ xong thì giá vàng trong 2 ngày gần đây lại đảo chiều lao dốc không phanh.

Cụ thể, đầu giờ chiều nay (10/3), giá vàng SJC được niêm yết ở mức 67,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,1 triệu đồng/lượng (bán ra).

Như vậy, chỉ sau 3 hôm, anh Hưng lại tiếp tục mất một số tiền lớn, khoảng 30 triệu đồng do giá vàng giảm sâu.

Tôi trả đúng thời điểm giá vàng cao và biến động quá lớn nên thiệt đơn thiệt kép”, anh Hưng chia sẻ.

Giống anh Hưng, chị Đào Thị Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng xót xa khi chị vay 20 cây vàng lúc giá chỉ 56 triệu đồng/lượng, nhưng lúc trả giá vàng lên tới 74 triệu đồng/lượng. Vì không thể khất nợ được nên dù giá đang ở đỉnh, chị Mai vẫn phải cắn răng mua vàng để trả.

Tôi vay vàng tầm 1 năm mà đã phải trả chênh 18 triệu đồng/lượng”, chị Mai nói. Chị Mai cũng tiếc rẻ khi thấy giá vàng bất ngờ lao dốc. Nếu trả nợ chậm vài ngày chị đã tiết kiệm tới 5 triệu đồng/lượng.

Chỉ có vài ngày mà tôi mất thêm cả trăm triệu đồng tiền chênh lệch giá vàng”, chị Mai xót ruột nói. 

Nói về việc nhiều người vay bằng vàng thiệt hại nặng khi trả nợ do vàng tăng giá quá cao, theo anh Nguyễn Văn Tuấn - chủ một cửa hàng vàng tại Cầu Giấy - Hà Nội, nếu là tình huống bắt buộc thì đành chịu, còn với những người muốn đầu tư nhưng lại không hiểu rõ về cơ chế thị trường thì đây là bài học đắt giá. Vì có không ít người mượn, vay vàng để đầu tư bất động sản với suy nghĩ giá bất động sản lúc nào cũng sẽ tăng nhanh và cao hơn vàng, cứ vay đi rồi sẽ có lời. Nhưng vàng là tài sản đầu tư mang tính rủi ro cao, có thể tăng giảm thất thường trong ngắn hạn. Trong khi đó, bất động sản thì không phải lúc nào cũng sốt hoặc muốn bán là đẩy đi ngay được. 

"Chỉ nên đầu tư khi đã cân đối được phần lớn tài chính, dự báo được những rủi ro nếu có và phương pháp giải quyết những rủi ro đó như thế nào", anh Tuấn nói.

Theo các chuyên gia, khi giá vàng bình lặng thì chuyện vay vàng không có gì đáng nói. Nhưng vào những thời điểm nền kinh tế thế giới đối diện nhiều bất ổn như hiện tại thì những người vay vàng chẳng khác nào đẩy mình vào cảnh "ôm bom".

Ngọc Vy

Tin mới