Theo thông tin trên, so với giá cũ thì mức tăng này lên tới 160$/tấn – một kỷ lục tăng giá trong thời gian ngắn. Việc tăng giá ammonia do nguồn cung sụt giảm tại châu Âu trong khi nhu cầu khu vực Bắc Mỹ vẫn còn cao. Có nguồn tin cho biết, Công ty CF của Mỹ đã chào giá ammonia giao tại khu vực bắc Dakota và Iowa lên đến 1.200 $/tấn.
Đối với urê, sau 1 tuần giao dịch chậm thì tuần này giá urê lại tăng lên kỷ lục mới. Tại Ethiopia, Tổng công ty nông nghiệp EABC đã phải trì hoãn gói thầu mua 800 ngàn tấn urê và 1.2 triệu tấn NPS cho mùa vụ 2022 vì lý do giá đã tăng quá nhanh và mạnh.
Còn tại Nepal, nhà cung cấp Swiss Singapore đã trúng gói thầu 25.000 tấn urê của Công ty KSCL với mức giá lên đến 949$/tấn CIP. Như vậy, giá thành urê nhập khẩu tại Nepal tương đương 22.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia nhập khẩu 100% phân urê như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cơn sốt giá phân bón toàn cầu.
Trong cơn sốt toàn cầu, nhìn lại thị trường và giá phân bón tại Việt Nam, mặt bằng giá trong nước đang có phần thấp hơn so với giá thế giới.
Cụ thể, giá bán lẻ urê tại khu vực Nam Bộ khoảng 16.000 – 17.000 đồng/kg. Có thể nói, do hoàn toàn chủ động được nguồn cung urê từ 4 nhà máy sản xuất nội địa, thậm chí có phần dư để xuất khẩu nên Việt Nam đã phần nào giảm thiểu được tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng phân bón đến sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cũng đang tích cực triển khai hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.