+ Giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở một số địa phương, giao dịch từ 67.000 - 70.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 67.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại các tỉnh Đồng Nai (67.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (68.000 đồng/kg); Bình Phước (69.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 70.500 đồng/kg.
+ Nguyên nhân giá tiêu giảm
Theo các chuyên gia, giá tiêu trong nước đi xuống là do những thông tin tiêu cực về xuất khẩu trì trệ và các nhà kinh doanh chuyển vốn sang đầu tư lĩnh vực khác như cà phê.
Trong khi giá tiêu khô liên tục sụt giảm thì hiện nay, nhiều thương lái đang tìm đến các nhà vườn trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để thu mua hạt tiêu xanh với mức giá trên 50.000 đồng/kg. Được thương lái thu mua với mức giá hợp lý, nhiều người dân đã sẵn sàng thu hái, bán tiêu xanh cho thương lái.
Giá hồ tiêu giảm 500 đồng so với hôm qua.
Tỉnh | Giá thu mua (đồng) | Thay đổi so với hôm qua (đồng) |
Đăk Lắk | 68.000 đồng/kg | - 500 đồng/kg |
Gia Lai | 67.000 đồng/kg | - 500 đồng/kg |
Đăk Nông | 68.000 đồng/kg | - 500 đồng/kg |
Bình Phước | 69.000 đồng/kg | - 500 đồng/kg |
Bà Rịa Vùng Tàu | 70.500 đồng/kg | - 500 đồng/kg |
Thị trường Âu - Mỹ và Trung Đông đang mua hồ tiêu Brazil nhiều hơn do chi phí logistics thấp hơn và giá cả cũng mềm hơn. Trong khi thị trường Trung Quốc vẫn còn khủng hoảng khiến giá tiêu chưa thể khởi sắc trong ngắn hạn.
Theo báo cáo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 7/2022 đạt 19.013 tấn tiêu các loại, giảm 5.197 tấn, tức giảm 21,47 % so với tháng trước và giảm 7.217 tấn, tức giảm 27,51% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 80,12 triệu USD, giảm 19,95 triệu USD, tức giảm 19,94% so với tháng trước và giảm 14,77 triệu USD, tức giảm 15,57 % so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về thị trường tuần trước (15-19/8), Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho hay, thị trường cho thấy chiều hướng khá tiêu cực khi không có quốc gia sản xuất nào ghi nhận sự gia tăng. Một trong những nguyên nhân là do tuần trước Ấn Độ và Indonesia tổ chức kỷ niệm ngày độc lập.
Cụ thể, ở khu vực Nam Á, giá tiêu Ấn Độ ổn định. Sau 2 tuần ổn định, giá tiêu nội địa Sri Lanka giảm trong tuần trước.
Tại Đông Nam Á, sau khi tăng trong 2 tuần qua, tuần trước giá tiêu Indonesia ghi nhận sự ổn định khi vụ thu hoạch tiếp tục diễn ra tại Lampung.
Trong khi đó giá tiêu giao dịch trong nước và quốc tế của Malaysia ổn định và không thay đổi. Thị trường cũng ghi nhận giá tiêu nội địa và quốc tế Việt Nam giảm trong tuần trước. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 7/2022 của Việt Nam đạt 4.214 USD/tấn, tăng 1,94 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 6/2022.
Trong bối cảnh thị trường hồ tiêu bị chi phối bởi nhiều yếu tố, Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ hồ tiêu hàng đầu, đã quay trở lại. Nhưng điều này được đánh giá là có thể không đủ để cổ vũ thị trường vì các nước sản xuất chủ chốt như Brazil và Indonesia đang bước vào mùa thu hoạch cho năm 2022.
Thị trường hạt tiêu toàn cầu được kỳ vọng sẽ ổn định và giá cả sẽ vững chắc hơn trong tháng 11 và tháng 12 tới.
Ông William SC Yii, Giám đốc Công ty Nguong Aik Sdn Bhd (Kuching, Malaysia), cho biết, quý II và những tháng cuối năm là thời điểm mà thị trường tiêu toàn cầu sôi động hơn khi giá cả có xu hướng tăng.
Ông nhận định: “Nếu Trung Quốc mở cửa hoàn toàn biên giới quốc tế vào thời điểm đó thì có thể đẩy giá hạt tiêu tăng từ 10% đến 20% so với mức hiện tại. Song, bất kỳ đợt tăng giá nào cũng sẽ thu hút người bán”.
Về vụ tiêu mới của Sarawak, ông cho biết, mùa thu hoạch vừa kết thúc và đó là một vụ mùa thất bát. Theo ước tính, sản lượng vụ mùa năm nay sẽ thấp hơn từ 10% đến 20% so với hai năm trước.