Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giả thuyết mới về vụ nổ cầu Crimea: Thiết bị không người lái tấn công

(VTC News) -

Dù cơ quan an ninh Nga khẳng định vụ nổ do bom cài trên ô tô, giới phân tích cho rằng vẫn không thể loại trừ kịch bản khác liên quan thiết bị không người lái.

Cây cầu Kerch (còn gọi là cầu Crimea) là cơ sở hạ tầng trọng yếu nối lục địa Nga với bán đảo Crimea (nằm gần Ukraine). Cầu bị phá hủy một phần trong vụ nổ hôm 8/10/2022. Các cơ quan điều tra của Nga xác định vụ nổ là do một quả bom cài trên ô tô tải đi qua cầu.

Cây cầu Crimea bị hư hại sau khi bị đánh bom. (Ảnh: Maxar, Molfar)

Tuy nhiên, một bài báo mới đây đã có cách tiếp cận khác và nhận định, vụ nổ trên cây cầu Crimea chiến lược có thể được gây ra bởi một thiết bị không người lái do Mỹ cung cấp cho quân đội Ukraine. Thiết bị này có thể là máy bay không người lái (UAV) hoặc thuyền không người lái (UUV).

Bài báo đó được đăng tải bởi các chuyên gia quân sự độc lập trên website Molfar của cộng đồng tình báo nguồn mở toàn cầu.

Vào ngày 12/10, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, họ đã bắt giữ 8 người liên quan đến vụ nổ. Trong số này, có 5 công dân Nga, 3 công dân Ukraine và Armenia. Theo FSB, vụ tấn công do cơ quan tình báo quân sự Ukraine, dưới sự lãnh đạo của Kyrylo Budanov, tiến hành.

Theo phiên bản giải thích của FSB, thiết bị nổ trong vụ đánh bom cầu Crimea được giấu bên trong các tấm màng nhựa polyethylene dùng cho xây dựng, đặt trên ô tô tải của một tài xe cung cấp dịch vụ vận tải phân bón.

Kiev không nhận trách nhiệm về vụ nổ. Thế nhưng, một số quan chức cấp cao của Ukraine ca ngợi vụ phá hoại cầu này. Cầu Kerch vốn là một tuyến tiếp tế thiết yếu cho binh sĩ Nga ở Ukraine, đồng thời là một biểu tượng cho việc “Crimea trở về với Nga” vào năm 2014.

Tuy nhiên, bài báo mới nhất trên trang Molfar (cũng đăng ngày 12/10) đưa ra những phân tích và lập luận cho một hướng giải thích khác.

Một chiếc thuyền không người lái (UUV) trôi dạt lên bờ biển Crimea, gần căn cứ hải quân Nga. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Khuyết lỗ thủng

Lập luận đầu tiên của nhóm chuyên gia Molfar là vụ nổ bom trên ô tô tải trên cầu đáng lẽ phải tạo ra một lỗ thủng trên bề mặt đường của cây cầu. Tuy nhiên, các clip được công bố về sự cố này không cho thấy có lỗ thủng nào cả.

Thứ 2, theo Molfar, chiếc xe ô tô chở bom đáng lẽ phải được kiểm tra kỹ trước khi đi lên cầu. Các video về vụ nổ cho thấy dường như có hơn một vụ nổ, trong đó có một vụ nổ trông có vẻ là được kích hoạt từ bên dưới cầu.

Bài báo Molfar viết: “Về lý thuyết, cầu đáng lẽ phải bị thổi tung từ dưới lên. Rốt cuộc, vào thời điểm xảy ra vụ nổ, có một cơn sóng bên dưới nhịp cầu bị sập, trong khi không có sóng bên dưới các đoạn khác của cầu”.

Bài viết cũng đưa ra một khả năng là cầu bị tấn công bằng tên lửa diệt hạm AGM/RGM-84 “Harpoon" mà Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine trước đó. Tuy nhiên, giải thuyết này đã bị loại trừ vì một cuộc tấn công bằng tên lửa sẽ có tác động phá hủy mạnh hơn nhiều.

UAV của Mỹ đã được sử dụng?

Theo điều tra độc lập nguồn mở của Molfar, một thiết bị không người lái (UAV hoặc UUV) có lẽ là thủ phạm của vụ nổ. Bài báo nhận xét rằng có một vật màu trắng “di chuyển sát mặt nước” và có thể nhìn thấy vật trắng này giữa 2 cột trụ trong đoạn video quay bằng camera gắn trên đoạn đường sắt của cầu Crimea.

Theo các nhà phân tích, camera bị mù trong vài giây đầu sau vụ nổ, khiến khó xác định cái gì thực sự đánh trúng cầu.

Bài báo có đoạn: “Một thuyền không người lái phục vụ hoạt động đặc biệt đã được tìm thấy gần bờ biển Sevastopol. Có thể thiết bị này đã được quân đội Mỹ cung cấp cho Ukraine vào tháng 4”.

Mạng xã hội Nga từng chia sẻ hình ảnh UUV đó. Đây là một thiết bị drone nổi trên bề mặt nước, nhỏ và hiện đại được chế tạo từ vật liệu của thương mại. Bài báo cũng không loại trừ khả năng các UAV do Ukraine tự chế tạo và thường xuyên hoạt động ở khu vực Crimea đã được sử dụng trong vụ tấn công cầu.

Bài báo Molfar nhận định: “Phiên bản giải thích này dựa trên thực tế là lòng đường trên cầu bị xé khỏi các dây giằng nhưng các trụ đỡ vẫn không bị hư hại (do có độ ổn định lớn hơn đường)".

Tuy nhiên, theo giới chức Nga vụ nổ này là hành động khủng bố bằng ô tô chứa bom. Sau đó Nga đã đáp trả bằng loạt tập kích tên lửa vào các thành phố Ukraine. Vụ nổ trên cầu kích động những người Nga theo đường lối cứng rắn gây sức ép lên chính quyền, yêu cầu họ phải hành động mạnh tay hơn nữa.

Trong khi đó, bên phía Ukraine, Cố vấn cho Tổng thống Zelensky, Mykhailo Podolyak, gọi vụ nổ cầu Crimea là sự “khởi đầu”. Thế nhưng, sau đó ông này lại ra tuyên bố ám chỉ vụ nổ có thể do chính người Nga gây ra. Ông nhấn mạnh chi tiết ô tô tải lên cầu từ phía Nga.

Nguồn:

Tin mới