Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá thực phẩm ở Nhật tăng mạnh, lao động Việt nỗ lực chắt bóp

(VTC News) -

Mức giá của gần 3.000 mặt hàng thực phẩm tại Nhật sẽ tăng mạnh trong tháng 4, tiếp tục làm "căng" thêm ngân sách nhiều lao động Việt ở nước này.

Theo đài NHK, giá thực phẩm và đồ uống ở Nhật Bản sẽ tăng trong tháng 4 bởi chi phí lao động và vận chuyển ngày càng tăng.

Một cuộc khảo sát với 195 nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống trên toàn quốc do công ty nghiên cứu tư nhân Teikoku Databank thực hiện cho thấy giá của 2.806 mặt hàng sẽ tăng vào tháng này. Một số mặt hàng giữ nguyên mức giá nhưng bị giảm về khối lượng.

Con số này giảm 48,1% so với số lượng mặt hàng tăng giá cùng kỳ năm ngoái. Tháng 4 năm ngoái, có 5.404 mặt hàng bị tăng giá, nhưng mức tăng trong tháng 4 này là lớn nhất kể từ đầu năm.

Hơn 2.000 trong số đó là thực phẩm đông lạnh và thực phẩm chế biến khác, bao gồm cả giăm bông và xúc xích. Việc tăng giá cũng được lên kế hoạch cho gần 370 loại gia vị như các sản phẩm nước dùng và sốt cà chua, cùng khoảng 290 loại đồ uống có cồn và đồ uống khác.

Gần 3.000 mặt hàng thực phẩm tại Nhật sẽ tăng trung bình 23% trong tháng 4. (Ảnh: Kyodo).

Tỷ lệ tăng trung bình khoảng 23% tính theo đồng yên. Đây là xu hướng tăng vừa phải từ 1-2 năm trước. Teikoku Databank nói rằng các nhà sản xuất đang tăng giá khi lương lao động cũng tăng.

Chi phí vận tải dự kiến cũng ​​​​sẽ tăng do giới hạn số giờ làm việc của tài xế sẽ được áp dụng từ tháng 4. NHK đánh giá điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu tài xế và có thể làm giảm năng lực vận chuyển của quốc gia.

Teikoku kỳ vọng mức tăng sẽ cao hơn trong những tháng tới, xuất phát từ chi phí nhập khẩu cao hơn do đồng yên yếu đi và chi phí nguyên liệu thô tăng do các vấn đề khí hậu toàn cầu.

Lao động Việt: Mua gì cũng phải đắn đo

Chị Hoài Phương (24 tuổi, đang làm thẩm định hồ sơ thuê nhà tại Tokyo) chia sẻ: "Đúng là gần đây đi siêu thị, mình thấy giá cả âm thầm tăng lên rất nhiều. Nhưng cũng may bản thân mình không ảnh hưởng nhiều lắm, vì so với thu nhập và mức chi tiêu thì giá cả vẫn ở khoảng xoay xở được. Tuy nhiên, đó là bản thân mình đang đi làm chứ nếu là du học sinh thì sẽ khó khăn hơn vì thu nhập du học sinh bị giới hạn rất nhiều".

Chị Hoài Phương hiện đang làm công việc thẩm định hồ sơ thuê nhà tại Tokyo (Ảnh: NVCC).

Thói quen chi tiêu cũng phải thay đổi từ những thứ nhỏ nhất. Chị Phương lấy ví dụ một loại bánh vốn được chị rất thích mua để ăn sáng giờ cũng không muốn mua nữa, vì chất lượng và giá cả đều thay đổi. Chị chia sẻ: "Mình hay mua bánh ngọt ăn sáng, trước bánh đó ăn rất ngon nên mình hay mua đúng loại ấy. Dạo này mình không hay ăn nữa vì thấy nó khô hơn hẳn, chắc là bị cắt bớt nguyên liệu, chưa kể giá cũng tăng từ 150 yên lên khoảng 180 yên". 

Anh Nguyễn Phi Dũng (37 tuổi, gia công cơ khí và chế tạo ống nước ở tỉnh Shiga) cũng nhận thấy tình trạng tương tự trong thời gian gần đây. Vỉ trứng gà trước đây có giá chỉ 170-180 yên, giờ đã tăng lên hơn 200. Một vỉ trứng loại to cũng phải 300 yên/vỉ 10 quả.

"Rau cũng tăng nhiều, ví dụ như dưa leo trước mua có 98 yên/gói được 5 quả, giờ còn 4 mà lên hơn 100 yên. Thịt thà các loại đều tăng. Trước 1 tuần tiêu hết khoảng 7 đến 8 sen (1,1 - 1,3 triệu đồng), giờ hơn man yên (khoảng 1,6 triệu đồng) mà chẳng có gì". Anh Dũng còn chia sẻ mức chi tiêu sinh hoạt từ 3-3,5 man của năm ngoái giờ đã tăng lên 5 man vẫn "thiếu thiếu".

Anh Dũng cho hay tiền sinh hoạt phí và điện, nước... đều đã tăng lên nhiều, trong khi thu nhập vẫn giữ nguyên. (Ảnh: NVCC).

Chưa kể gas, điện, nước đã tăng mạnh từ năm ngoái. Trước đó, tiền nhà, điện, nước, wifi và cả các loại thuế tốn khoảng hơn 6 man, nhưng giờ lên hơn 8 man 1 tháng.

Trong khi đó, chị Cẩm Tiên (30 tuổi, làm nội trợ ở Chiba) cho biết với mức thu nhập của hai vợ chồng sau khi trừ tiền nhà, điện, nước, gas, wifi thì còn khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này với gia đình 2 vợ chồng và một con nhỏ chỉ đủ ăn chứ không dư dả.

"Mình sống ở Nhật gần 6 năm rồi, 1-2 năm đầu sang Nhật mình thấy khá ổn vì giá cả nhu yếu phẩm cũng không cao cho lắm. Lúc sang Nhật là năm 2018, tỉ giá 1 USD đổi tầm 204, sau đó dần tăng lên 210-220 yên. Sau dịch thì kéo theo yên giảm, giá cả tăng lên", chị Tiên chia sẻ.

Chị Tiên cũng lấy ví dụ điển hình, 1 trái cà chua to lúc trước mình mua khoảng 50 - 100 yên/quả (khoảng 10.000 - 20.000 đồng), còn bây giờ tăng lên khoảng 40.000-60.000 đồng/quả. Mỗi mặt hàng tăng lên 20.000 - 40.000 đồng làm mỗi lần đi mua gì chị Tiên cũng phải đắn đo suy nghĩ. "Ngày trước mình đi chợ mua đồ ăn trong 1 tuần cho 2 người thì giao động 1-1,5 triệu đồng, nhưng bây giờ dù đã tính toàn kỹ thì 1 tuần ăn của 2 vợ chồng gồm trái cây, nước, sữa và bánh trái kèm theo sẽ khoảng 2-3,5 triệu đồng. Chưa kể điện, nước, gas tăng giá theo từng năm".

Khó khăn vì đồng yên mất giá

Tuy nhiên, khó khăn nhất phải kể đến những lao động phải gửi tiền về Việt Nam do tình hình đồng yên mất giá mạnh từ đầu năm nay. Chị Phương cho hay, "Đối với những bạn phải gửi tiền về cho gia đình thì thật sự áp lực. Trước đây gửi dư dả bao nhiêu thì giờ chắc phải lỗ đến vài triệu tới vài chục triệu tuỳ theo số tiền các bạn gửi".

Đồng quan điểm với ý kiến trên, chị Tiên cho biết nếu chỉ sinh sống ở Nhật mà không phải gửi tiền về thì vẫn xoay xở tốt, thực tập sinh hay lao động phải gửi tiền về sẽ rất vất vả. "Ngày trước 1 tháng chi tiêu tích cóp, tiết kiệm, một người có thể gửi về được 20 triệu/tháng nhưng bây giờ thì không thể. Những ai có gia đình thì vẫn muốn ổn định, nhưng một số bạn trẻ đã có ý định sang nước khác", chị chia sẻ.

Theo dữ liệu của Google Finance, đồng yên đã mất giá từ 171 yên/1 USD xuống còn 163 yên/1 USD từ đầu năm tính tới nay.

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng như số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, Nhật Bản vẫn là nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc nhất trong quý I 2024, với 23.364 lao động (8.248 lao động nữ), vượt hơn hẳn so với Đài Loan (9.781 lao động).

Dữ liệu thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang hoạt động tại Nhật Bản theo nhiều chương trình khác nhau như thực tập sinh kỹ năng, lao động đặc định, và các chương trình như đưa ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang Nhật Bản làm việc theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA).

Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu trong số 15 quốc gia gửi thực tập sinh và lao động sang Nhật Bản. Trong năm 2023, số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 85.000 người.

Thạch Anh

Tin mới