Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá thịt lợn ngất ngưởng, liệu có khuất tất trong việc nhập khẩu thịt lợn?

(VTC News) -

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 là việc có hay không sự khuất tất trong việc nhập khẩu thịt lợn.

Chiều 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong buổi họp báo chiều nay là việc có hay không sự khuất tất trong việc nhập khẩu thịt lợn, trong khi giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức rất cao.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) không có mặt để trả lời, vì vậy Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi này.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cơ chế quản lý giá thịt lợn theo cơ chế thị trường, phụ thuộc cung - cầu. Khi giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng đến chỉ số vĩ mô là CPI và vi mô là ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Có khuất tất trong việc nhập khẩu thịt lợn không? (Ảnh: chinhphu.vn)

Ông cho biết dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng rất lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc. Nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch nên nhiều nơi chưa tái đàn. Nhiều gia đình cũng gặp khó khăn về nguồn vốn để tái đàn, có nơi con giống lên tới 2-3 triệu đồng/con. Đàn lợn 2019 giảm 21% so với 2018.

Theo báo cáo của một số địa phương, đàn lợn có thể đã giảm 50%. Một số doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ông Hải cho biết, chỉ có 2 cách khắc phục là tái đàn và tăng cường nhập khẩu. Tuy nhiên, tái đàn thì không thể trong một thời gian ngắn mới có thể hoàn thành.

Theo dự báo, cuối năm 2020, đàn lợn mới quay lại mức trước khi dịch tả lợn châu Phi diễn ra. Việc nhập khẩu thịt lợn đến hết tháng 4, số lượng mới chỉ đạt 45.000 tấn, so với yêu cầu 100.000 tấn.

Hiện, Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT tập trung tái đàn và phối hợp các ngành khác tăng cường nhập khẩu thịt lợn.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết, người tiêu dùng Việt Nam không quen dùng lợn nhập khẩu, do đó doanh nghiệp dè dặt nhập về.

"Đây là khó khăn cản trở trực tiếp đến việc nhập khẩu hiện tại", ông Phương nói.

Cũng trong buổi họp báo, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, CPI tháng 4/2020 giảm 1,54% so với tháng trước, tuy nhiên, CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ tăng 4,9%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng tăng 2,96% so với bình quân cùng kỳ.

Hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa. 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,3% (riêng tháng 4 giảm 26%).

4 tháng đầu năm, cả nước có 37.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% và giảm 17,9% vốn đăng ký, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 4/2020 tăng 0,8%, mức tăng thấp nhất so giai đoạn 2016-2020. Vốn FDI thực hiện 4 tháng giảm 9,6%. Duy nhất có một điểm sáng là vốn đầu tư thực hiện 4 tháng từ NSNN tăng 12,9%.

Xuất nhập khẩu hàng hóa có lẽ là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,4%; trong đó xuất khẩu tăng 4,7%; nhập khẩu tăng 2,1%. Xuất siêu trên 3 tỷ USD.

Ngọc Vy

Tin mới