Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng này có thể khiến những người trẻ tuổi càng thêm lo lắng về tương lai, dẫn đến sụt giảm tỷ lệ kết hôn tại xứ sở tỷ dân.
Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, số lượng đăng ký kết hôn mới đã giảm 18%, xuống còn 1,46 triệu cặp đôi trong quý 2/2024. Đây là mức thấp thứ hai được ghi nhận, xếp sau con số 1,39 triệu cặp đôi kết hôn trong giai đoạn quý 4/2022.
Tiền thách cưới đắt đỏ là một trong những lý do khiến người Trung Quốc không muốn kết hôn. Theo một nghiên cứu của Giáo sư Gong Weigang thuộc Đại học Vũ Hán, mức thách cưới trung bình là 9.000 nhân dân tệ (hơn 30 triệu đồng) vào năm 2007 và bắt đầu tăng mạnh từ năm 2008. Đến nay, các khoản tiền thách cưới tăng gấp mười mấy lần bởi sự mất cân bằng giới tính và chi phí sinh hoạt ngày càng cao.
Số tiền thách cưới thay đổi tùy theo khu vực và có xu hướng cao hơn ở các vùng miền đông Trung Quốc như Thượng Hải, Phúc Kiến, Giang Tây, nơi có chi phí sinh hoạt cao và từ lâu đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng mất cân bằng giới tính. Đứng đầu danh sách là tỉnh Giang Tây, mức thách cưới chung hiện nay là khoảng 830 nghìn nhân dân tệ (2,9 tỷ đồng). Theo Zhihu, vào nửa đầu tháng 1/2023, một phụ nữ ở Giang Tây yêu cầu gia đình bạn trai đưa sính lễ gần 20 triệu tệ (khoảng 70 tỷ đồng).
Người trẻ Trung Quốc ngày càng ngại kết hôn vì mức chi phí cao.
Hồi giữa tháng 6, hơn 100 phụ huynh đã tham dự hội chợ hôn nhân tại Công viên Thiên Hà ở thành phố Quảng Châu, trưng bày những tờ thông tin ghi rõ tên, độ tuổi, chiều cao, trình độ học vấn, tính cách, nghề nghiệp và các phẩm chất khác của con mình, đồng thời nêu rõ kỳ vọng của mình đối với con rể tương lai.
"Nếu con trai tôi thực sự yêu bạn đời của mình, chúng tôi sẵn sàng trả khoản phí thách cưới đắt đỏ", mẹ của một người đàn ông 40 tuổi cho biết.
Một thanh niên 30 tuổi tham dự sự kiện này chia sẻ: "Tôi cảm thấy mình đang chịu áp lực phải mua nhà cho gia đình của vợ. Nếu phí thách cưới quá đắt, tôi sẽ chọn không kết hôn".
Cuối tháng 6, các tình nguyện viên tại thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam tổ chức đến thăm nhà của những người đàn ông và phụ nữ độc thân, kêu gọi họ từ bỏ tục thách cưới đắt đỏ và thúc đẩy hôn nhân hiện đại, văn minh hơn.
Vào tháng 12/2023, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc công bố một diễn giải tư pháp về tranh chấp tiền thách cưới. Nếu cặp vợ chồng chỉ sống chung với nhau một thời gian ngắn sau khi kết hôn, tòa án sẽ ủng hộ việc trả lại khoản tiền thách cưới, trong trường hợp họ chưa có con. Nếu cặp đôi sống chung với nhau trong một thời gian dài và có con, tòa án sẽ không ủng hộ việc trả lại tiền.
Vào tháng 2/2024, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc làm rõ khái niệm phí thách cưới và các nguyên tắc để hoàn trả, cho biết các bậc cha mẹ có thể được gọi đến trong trường hợp xảy ra tranh chấp tiền thách cưới, vì họ thường tham gia vào việc sắp xếp hôn nhân cho con cái mình.