Ngày 16/3, Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí với nhiều nội dung hấp dẫn.
Phiên thảo luận "Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí" được nhiều người quan tâm. (Ảnh: Quang Hùng)
Thay đổi tư duy, thói quen người làm báo
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông nhận định, sau đại dịch COVID-19, khoảng 17% cơ quan báo chí ghi nhận doanh thu giảm, 78% cơ quan doanh thu không thay đổi và khoảng 10 - 30% số cơ quan doanh thu tăng.
Doanh thu từ phát hành báo in và quảng cáo trên báo in vẫn là hai nguồn chính. Tuy nhiên, hai nguồn thu này đều đang có xu hướng giảm.
Các cơ quan báo chí đang gặp không ít khó khăn trong việc tăng nguồn thu cho đơn vị. Việc triển khai thu phí độc giả cũng khá chật vật.
Ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, cơ quan này đã tự chủ tài chính suốt nhiều năm qua và luôn tìm cách đa dạng nguồn thu. Mỗi tháng tờ báo phải chi khoảng 14 tỷ đồng để trả lương cho cán bộ, nhân viên, người lao động, chưa kể các khoản đầu tư về công nghệ.
Nếu trước dịch COVID-19, nguồn thu từ báo in của Tuổi Trẻ chiếm đến 75% thì đến nay, nguồn thu từ nền tảng số, mạng xã hội đang chiếm 75%.
“Điều này buộc chúng tôi phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ và quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, thói quen của những người làm báo”, ông Toàn nói.
Tăng nguồn thu từ sản phẩm "xịn"
Trong số các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay thì Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) tỉnh Vĩnh Long là một trong những “ngôi sao sáng” về doanh thu. Cơ quan này có doanh thu lên đến 1.500 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về những thành công của đài, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long cho hay, hoạt động quảng cáo đang chiếm khoảng 85 - 90% nguồn thu của đài. Song song đó là nguồn thu từ quảng cáo trên sóng phát thanh, chương trình trực tiếp và livestream.
Cách đây 10 năm, Đài PTTH Vĩnh Long triển khai hoạt động liên kết sản xuất chương trình. Mỗi năm, đài này liên kết sản xuất khoảng 40 - 50 chương trình truyền hình thực tế, gameshow, phim ngắn, phim thiếu nhi, chương trình khoa giáo… Việc này huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư, sản xuất chương trình, góp phần gia tăng nguồn tài trợ, quảng cáo.
Nhà đài này cũng đang phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện. Điển hình như ứng dụng nghe phát thanh miễn phí trên Internet THVL Audio, 48 kênh Youtube, 23 Fanpage trên Facebook, 4 kênh TikTok… Những nền tảng này đang thu hút thêm nhiều độc giả cho đài và mang về nguồn thu ấn tượng.
“Người làm báo trước tiên phải tạo ra những sản phẩm chất lượng, độc đáo, khác biệt rồi hãy nghĩ đến chuyện bán sản phẩm cho ai và bán ở đâu”, ông Tuấn nói.
Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long trình bày tham luận. (Ảnh: Quang Hùng)
Cũng theo ông Tuấn, ngoài những thuận lợi đang có thì đài cũng đối mặt với những khó khăn như áp lực cạnh tranh thông tin, áp lực giữ chân khán giả, suy thoái kinh tế khiến nguồn thu quảng cáo sụt giảm.
Ông Tuấn kiến nghị các cơ quan quản lý nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí, hoặc có chính sách miễn giảm linh hoạt theo từng năm, tùy vào sự biến động của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Quang Hùng)
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, cơ hội và thách thức về nguồn thu báo chí hiện có nhiều khác biệt so với trước. Hiện chỉ có 2 cơ quan báo chí đạt mức doanh thu nghìn tỷ. Xu hướng quảng cáo đang chuyển sang không gian số. Các doanh nghiệp tìm những phương thức quảng cáo hiệu quả hơn.
Các doanh nghiệp, thương hiệu thường quan tâm về chi phí thực để đổi ra một khách hàng, họ mong muốn tạo ra được đơn hàng ở mức thấp nhất. Điều này buộc các cơ quan báo chí phải thay đổi, sáng tạo hơn trong phương thức làm nội dung, cũng như phát triển kinh tế báo chí.
“Người làm kinh tế báo chí không đơn thuần chỉ làm nội dung mà còn phải có kiến thức về thương mại điện tử, quảng cáo, xu thế nguồn thu, dòng tiền luân chuyển trên không gian mạng”, ông Lâm nhận định.
Theo ông Lâm, Nhà nước cũng có thể trở thành một khách hàng lớn của các cơ quan báo chí. Đây là khách hàng khó tính nhưng nguồn lực tốt, các cơ quan Nhà nước luôn muốn đặt hàng truyền thông chính sách trên các kênh thông tin chính thống. Vì vậy, cơ quan báo chí phải “nâng mình” lên để đón được nguồn thu từ Nhà nước.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường xử lý các vi phạm quảng cáo trong không gian mạng. Điều tiết các luồng quảng cáo trên không gian mạng về các kênh thông tin chính thống như báo chí.
Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 - một trong những hoạt động của Hội Báo toàn quốc năm 2024.
Diễn đàn có 60 diễn giả và khách mời trong nước và quốc tế, thu hút hàng ngàn người tham dự. Tại đây nhiều tham luận, thảo luận, tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý và nhà nghiên cứu dành cho diễn đàn.
Diễn đàn tập trung vào những vấn đề quan trọng như: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí, Xây dựng môi trường văn hóa báo chí; Báo chí dữ liệu với chiến lược vượt trội, Nâng cao nâng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; Phát thanh năng động trong môi trường số; Đầu tư ứng dụng công nghệ tại tòa soạn; Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí.