Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá như Kết luận 14, Nghị định 73 có sớm hơn!

(VTC News) -

Dù Kết luận 14 và Nghị định 73 chưa ra đời, nhưng do những yêu cầu bức thiết từ thực tế đã xuất hiện những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

 

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) - nổi tiếng là người cởi mở, đối thoại thẳng thắn với những người Việt chống Cộng khét tiếng ở nước ngoài.

Với sự thẳng thắn, cương trực, khả năng thuyết phục và đặc biệt là sự chân thành, thuyết phục bằng thực tế đổi mới phát triển từng ngày của đất nước, ông đã cảm hóa, giúp nhiều nhân vật chống Cộng sừng sỏ, thậm chí từng về nước thực hiện hoạt động khủng bố, nhận ra sai lầm của mình, trở lại đóng góp cho quê hương, đất nước.

Hồi tưởng về dấu mốc chuyến tàu đầu tiên đưa kiều bào ra thăm Trường Sa năm 2012, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cho biết, khi đó việc đưa kiều bào ra thăm Trường Sa là một ý tưởng hết sức táo bạo, chưa từng có tiền lệ.

Ông Sơn thừa nhận, cá nhân dám đương đầu để chứng minh thực tế về sự phát triển của đất nước ta trước những thành phần cực đoan chống Cộng mà không sợ mình có thể bị hành hung, gặp những rủi ro rất lớn vì là một cán bộ Cộng sản cao cấp.

"Nhưng dũng cảm để đương đầu với những tư tưởng bảo thủ, đố kị và những định kiến hẹp hòi trong nước còn khó khăn hơn nhiều. Có lẽ niềm tin lớn nhất của tôi lúc đó là chủ trương, đường lối của Đảng", ông Sơn tâm niệm.

 

Cụ thể, ngay từ Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng nêu rõ, cần loại bỏ tư tưởng "trông chờ, ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán". Đây là tinh thần của đổi mới khơi dậy động viên, khích lệ cán bộ mang hết khả năng sức lực để cống hiến thật nhiều cho đất nước.

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, với tinh thần đổi mới được xác định một cách cụ thể hơn, rõ hơn là cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện và đưa vào đội ngũ cán bộ những người "trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm bảo vệ chân lý", cần phải tập hợp được những cán bộ có tinh thần "dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ"…

"Công việc vận động người Việt Nam ở nước ngoài xóa bỏ hận thù, nói nghe có vẻ bình thường, nhưng trên thực tế cần phải rất dũng cảm để tranh thủ được tình cảm sự tin tưởng của bà con, đặc biệt là thành phần chống đối", ông Sơn nói.

Sự "tranh thủ" mà vị Đại sứ nhắc đến đồng nghĩa với việc chớp thời cơ. Nhiều đêm, ông Sơn trăn trở giữa "làm hay không làm" bởi nếu làm có thể sẽ ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị không chỉ của cá nhân mà còn cả các thuộc cấp ở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Rồi quyết định thực hiện thì "vừa làm vừa lo".

Khi đã suy nghĩ thấu đáo về chương trình này, ông bàn bạc với cán bộ trong Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lập đề án báo cáo các cấp, đặc biệt là Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng khác.

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn bộc bạch: "Để làm được những việc như thế nền tảng của nó phải là sự dũng cảm. Tôi rất thấm thía điều đó. Cũng rất may, khi có người quy kết, chụp mũ cho tôi là "diễn biến hòa bình", là "lật sử" thì các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhìn thấy rõ được hiệu quả công việc, hoàn toàn ủng hộ cho tôi làm. Đúng ra Kết luận 14 phải có từ thời đó để tôi đỡ bị chụp mũ, mang tiếng".

Ông Sơn cho rằng để đập tan chiêu bài "Cộng sản đã dâng biển bán đất cho nước ngoài" thì cần có những chuyến tàu ra tận đảo xa để bà con tận mắt thấy những chiến sĩ Hải quân, người dân trong nước bám đảo bảo vệ lãnh hải và làm kinh tế biển ra sao. Và, hải trình Trường Sa đã được thai nghén như thế.

"Trước khi có chuyến đi đầu tiên, tôi cũng đã phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Hải quân thị sát trước. Hải trình Trường Sa bắt đầu từ năm 2012", Đại sứ nhắc lại.

Theo ông Sơn, khi đến các đảo, kiều bào được tận mắt nhìn thấy chủ quyền của chúng ta không chỉ là những hòn đảo cô đơn với sắc màu quân phục mà chúng ta có cả một cuộc sống an lành ở trên các hòn đảo. Bà con ngỡ ngàng thấy biển của chúng ta rộng lớn, đảo của chúng ta trù phú, người dân của chúng ta an cư lạc nghiệp quá.

 

Trên các đảo, chúng ta không chỉ có Hải quân và các lực lượng vũ trang mà có cả Nhân dân. Chúng ta có cả cuộc sống như ở đất liền ngoài hải đảo. Đó là trường học, bệnh xá, nhà trẻ, chùa chiền…

Ông Sơn nhìn nhận, điều đó thể hiện cho bà con cô bác khắp nơi trên thế giới cũng như các nước có tranh chấp chủ quyền thấy rằng, Nhân dân ta đã có cuộc sống ở đó từ lâu. Từ xa xưa, ông cha chúng ta đã xác lập và thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đó là hiện thực và có nhiều chứng cứ lịch sử khẳng định.

"Tôi cho rằng thành công của Hải trình Trường Sa các năm qua không tách rời sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan truyền thông", vị Đại sứ nhấn mạnh.

Sau chuyến Hải trình đầu tiên năm 2012, Thủ tướng quyết định hàng năm tiếp tục tổ chức các chuyến đi Trường Sa cho kiều bào và càng ngày càng nhiều kiều bào trở về đất nước được thăm lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, nhìn thấy được cơ ngơi hiện tại, tiền đồ của đất nước.

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, việc này rất trực quan để các thế lực thù địch thấy rằng không những chúng ta đang bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, lãnh hải, lãnh thổ của đất nước mà chúng ta còn đang xây dựng lòng tin cho người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Cựu Thiếu tá Công an quận Đồ Sơn (Hải Phòng) Trịnh Văn Khoa là người làm đơn tố cáo nhóm cán bộ, chiến sĩ Công an quận Đồ Sơn làm sai lệch hồ sơ trong vụ việc có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại quán karaoke, từng gây xôn xao dư luận cách đây gần 3 năm.

Đó là một ngày cuối năm 2020, anh Trịnh Văn Khoa đang công tác tại Đội Điều tra tổng hợp (Công an quận Đồ Sơn), đã viết đơn xin ra khỏi ngành sau 18 năm 11 tháng gắn bó với nghề.

Lúc này, anh đang mang quân hàm Thiếu tá và hưởng mức lương khoảng 13 triệu đồng/tháng. Vợ anh với những bưu phẩm sau xe, hàng ngày rong ruổi trên các ngả đường làm công việc vận chuyển hàng hóa mà mọi người vẫn gọi bằng từ thân quen "shipper". Ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, lại thêm bố mẹ già.

Anh Khoa biết, ra khỏi ngành lúc này với đồng lương hàng tháng không hề thấp thì mọi gánh nặng kinh tế sẽ dồn hết lên vợ mình. Nhưng anh ra khỏi ngành không phải vì chán nghề hay bởi những vọng tưởng giàu sang khác.

Anh ra khỏi ngành để bắt đầu hành trình đi tìm lẽ phải, tố cáo việc làm sai lệch hồ sơ vụ việc xảy ra tại quán karaoke Hải Sơn mà trực tiếp tiếp tay là một số cấp trên và đồng đội của anh tại Công an quận Đồ Sơn.

Anh kể, rạng sáng 13/11/2020, kiểm tra đột xuất quán karaoke Hải Sơn, tổ công tác thuộc Đội Điều tra tổng hợp và Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, sau khi test nhanh xác định có 25/28 người dương tính với ma túy.

Tuy nhiên, khi cán bộ công an quận đang lấy lời khai của các đối tượng, thì Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp chỉ đạo thuộc cấp dừng lấy lời khai, cho các đối tượng sai phạm gọi điện thoại cho người thân.

Sau đó, rất nhiều người lạ ra vào cơ quan gặp riêng lãnh đạo Đội, lãnh đạo Công an quận. Tất cả những người trong vụ việc lần lượt được cho về trong tối cùng ngày. 22h30, người cuối cùng ra khỏi trụ sở Công an quận Đồ Sơn.

Sau đó, các cán bộ, chiến sĩ trong Đội được chia tiền 2 lần (lần 1 được 1 triệu đồng, lần 2 có 4 người mỗi người 2,5 triệu đồng). Anh Khoa và một số đồng đội kiên quyết khước từ những đồng tiền ấy.

Chứng kiến từng người vi phạm lần lượt rời đi như không có chuyện gì xảy ra, chứng kiến cảnh "ăn chia" ở chính nơi mình công tác và đặt kỳ vọng, anh Khoa hụt hẫng và bắt đầu suy nghĩ đến một phương án vì danh dự của bộ cảnh phục mình đang tự hào mang trên mình.

Anh xin nghỉ phép. Trong gần 1 tháng ấy anh chỉ quanh quẩn ở nhà, dọn dẹp, nấu cơm… suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng về những việc mình sẽ làm. Suy đi nghĩ lại, anh tự thuyết phục mình hãy đặt lòng tin vào Thanh tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Anh nghĩ mình bắt buộc phải làm đơn vượt cấp thì mới tránh được những mối quan hệ dây mơ rễ má. Anh tin tưởng cấp trên ở Trung ương sẽ hiểu được lòng anh và công lý sẽ được thực thi.

 

Trầm ngâm một lúc, anh Khoa hồi tưởng: "Khi học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tôi nhớ rất rõ tư tưởng chỉ đạo là cần đặc biệt coi trọng những người trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm bảo vệ chân lý".

Căn cứ vào kim chỉ nam đó, anh chuẩn bị tinh thần thật vững, tâm lý tự bảo vệ mình trước những mối đe dọa rồi gửi đơn tố cáo đến Thanh tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trước khi lá đơn tố cáo gửi đi là lá đơn xin ra khỏi ngành anh gửi tới cấp trên.

Ngày 15/1/2021, anh Khoa nhận được quyết định xuất ngũ. Lúc này, cả gia đình rất sốc khi biết người họ đặt kỳ vọng đã tự đưa ra quyết định mà không bao giờ họ nghĩ tới. Anh Khoa phải đối diện với áp lực từ gia đình, những lời dị nghị của người xung quanh.

"Tôi là sự kỳ vọng của cả gia đình - đặc biệt là bố tôi - vì trong nhà, có mình tôi được phục vụ trong ngành công an. Biết tin con trai xin ra khỏi ngành, ông giận tôi lắm, từng có thời điểm bố không nói chuyện với tôi. Tôi rất buồn", anh Khoa tâm sự.

Sau này, sự việc được phanh phui, báo chí đăng tải thông tin, mọi người trong gia đình dần hiểu và cảm thông với quyết định của anh.

Không chỉ áp lực gia đình, anh Khoa còn đối diện với sự bực tức ra mặt từ đồng nghiệp - những người vướng vòng tố tụng từ lá đơn tố cáo của anh, thậm chí cả sự đe dọa.

Không những thế, có người liên quan trực tiếp vụ án từng đề nghị anh sẽ nhận được tài sản vật chất quy ra thành tiền khoảng 25 tỷ đồng nếu rút đơn tố giác. Nhưng, anh cương quyết từ chối.

Rồi, 8 người trong vụ việc này lần lượt bị bắt, trong đó có cả cựu Trưởng Công an quận Đồ Sơn.

Sáng 21/7/2022, Tòa án nhân dân TP Hải Phòng mở phiên tòa xét xử vụ án "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc". Toàn bộ hồ sơ vụ án được chuyển cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung, xác định rõ hành vi đưa nhận tiền làm sai lệch hồ sơ. Những người sai phạm tùy theo mức độ sẽ phải trả giá cho lầm lỗi của mình.

 

Mặc dù được triệu tập tới tòa nhưng anh Khoa vắng mặt và chỉ theo dõi thông qua báo chí, anh em, bạn bè. Nghĩa cử mà cựu Thiếu tá công an làm là xin cơ quan điều tra, hội đồng xét xử áp dụng chính sách giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho anh em.

Sau này, những hiểu lầm giữa anh và đồng đội dần được xoá bỏ, không ai còn trách móc anh khi họ hiểu ra mục đích của anh không phải muốn đưa họ vào vòng lao lý mà chỉ những người cố tình phạm tội, coi thường pháp luật. Họ lại ngồi với nhau, cùng trải lòng, cùng nói chuyện tương lai.

Từ lúc bắt đầu sự việc bằng lá đơn xin ra khỏi ngành tới lúc bươn chải với đời, anh luôn nhận được sự ủng hộ và tình cảm mọi người dành cho mình. Anh còn nhận được sự quan tâm, hỏi han từ cấp, ngành liên quan. Giờ đi đâu, chỉ đăng thông tin lên Facebook cá nhân, từ Nam ra Bắc, anh lại nhận được lời hỏi han từ nhiều người.

Anh tâm sự: "Tôi thấy Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định một trong những nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Nội dung trên chính là sự đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ của Đảng, thể hiện nhận thức mới, cao hơn, cụ thể hơn với cụm từ "khuyến khích", "bảo vệ", bảo vệ ở đây chính là bảo vệ cái đúng của cán bộ, đảng viên và chính là bảo vệ Đảng".

Cùng với các bước điều tra khách quan bài bản của cấp trên, niềm tin vào việc làm của mình, vào ngành, vào Đảng trong anh càng lớn dần lên, khiến anh càng chín chắn, trưởng thành.

Vì thế, từng có lúc, anh bị thế lực phản động liên hệ, câu dẫn, hứa hẹn giúp anh xin tị nạn tại Mỹ nhưng anh đã kiên quyết từ chối, ở lại nơi chôn nhau cắt rốn làm những điều chân chính, đúng pháp luật, không đi ngược truyền thống của gia đình.

"Hôm nay, khi chúng ta đang nhắc lại câu chuyện này, thì Kết luận 14 và cả Nghị định 73 đã ra đời. Đó chính là động lực lớn lao nhất không chỉ trong việc đấu tranh chống tiêu cực của tôi mà còn cho tất cả những việc khó, những việc chưa ai làm", anh Trịnh Văn Khoa khẳng định đầy tin tưởng. 

 

Nguồn:

Tin mới