Financial Times thông tin, nhu cầu mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc, sự bùng nổ chi tiêu của các chính phủ cho kế hoạch phục hồi sau đại dịch và ván cược vào nền kinh tế "xanh" đã khiến giá nhiều nguyên liệu thô quan trọng tăng mạnh.
Cụ thể, giá quặng sắt (thành phần quan trọng để sản xuất thép), palladium (nguyên liệu được các hãng xe sử dụng nhằm hạn chế khí thải độc hại) và gỗ xẻ đã đạt đỉnh trong tuần trước.
Theo Bloomberg, lượng tiêu thụ thép tăng mạnh trên toàn cầu, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục sau cú sốc đại dịch COVID-19, đang đưa giá quặng sắt tiến tới mức cao chưa từng có. Các mỏ quặng lớn hoạt động hết công suất, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu.
Giá quặng sắt tăng cao. (Ảnh: Getty Image)
Giới phân tích dự báo giá quặng sắt tiêu chuẩn có thể đạt mức 200 USD/tấn, phá vỡ kỷ lục cũ là 194 USD/tấn cách đây một thập kỷ. Trong phiên giao dịch ngày 5/5, giá quặng sắt tương lai trên sàn Singapore Exchange tăng 0,4%, đạt 186,5 USD/tấn.
Trong khi đó, giá dầu thô tăng 30% một năm qua. Theo tạp chí Capital (Pháp), chuyên gia cho rằng các nền kinh tế đã mở cửa trở lại là nguyên nhân dẫn đến giá dầu tăng cao.
Giá dầu thô tăng 30% trong một năm qua. (Ảnh: Getty Image)
Chuyên gia Bjornar Tonhaugen ở Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định, dù kinh tế Ấn Độ suy giảm do đại dịch COVID-19 song kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang vượt lên và rất cần xăng dầu.
Giá đồng cũng lần đầu vượt 10.000 USD kể từ năm 2011 và hướng tới lập đỉnh cao nhất mọi thời đại.
Giá kim loại thiếc hợp đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) được giao dịch quanh mức 27.135 USD/tấn, tiệm cận mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây – 30.995 USD/tấn vốn được xác lập hồi tháng 2 vừa qua.
Các mặt hàng nông sản chủ chốt như ngũ cốc, hạt có dầu, đường và sữa cũng tăng vọt. Riêng giá ngô lần đầu vượt ngưỡng 7 USD/giạ trong vòng 8 năm qua. Chỉ số Bloomberg ghi nhận giá ngũ cốc đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất tính từ năm 2016.
Giá lúa mì cũng tăng thêm 2,4% lên mức cao nhất trong 7 năm, trong khi giá đậu tương đạt mức cao nhất trong 8 năm.
Tình trạng thiếu container vận chuyển và nạn tắc nghẽn cổ chai tại các cảng cũng đang đẩy giá đường lên cao.
Hiện vẫn chưa rõ cơn sốt giá nguyên liệu sẽ kéo dài trong bao lâu. Ông Alex Sanfeliu, người đứng đầu Cargill, cho rằng: "Đây có thể là một siêu chu kỳ nhỏ. Tôi cho rằng nó không kéo dài như siêu chu kỳ gần nhất".
Trong khi đó, ông A Shekhar tại Olam International (có trụ sở ở Singapore) nhận định đà tăng giá của thực phẩm sẽ không liên tục. Tuy nhiên, ông A Shekhar cho rằng nhu cầu cơ bản vẫn mạnh trong 6-12 tháng tới.
Giá thép Việt Nam tăng 'nóng' 45%
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) mới đây lên tiếng về thực trạng giá mặt hàng thép xây dựng trong nước tăng mạnh lên đến 45%.
Cục Công nghiệp cho biết, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.
Theo Cục Công nghiệp, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...
Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…
Với dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD ).