Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giá nguyên liệu tăng chóng mặt, doanh nghiệp cầm cự không tăng giá 

(VTC News) -

Mặc dù nhiều nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng cầm cự, tìm cách để không tăng giá sản phẩm bán ra thị trường.

Ông Phạm Văn Long - Giám đốc Cty CP Thực phẩm dinh dưỡng Lolifood cho biết, thời gian gần đây, giá nguyên vật liệu để sản xuất các loại ngũ cốc dinh dưỡng của công ty ông liên tục tăng cao, từ 5 - 10% so với trước đây.

Cụ thể, giá các loại hạt như óc chó, hạnh nhân hiện đang tăng tới 10%, các loại hạt đậu và nhiều loại hạt khác cũng tăng khoảng 5%.

"Việc tăng các loại nguyên liệu đầu vào này khiến việc kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu tăng giá sản phẩm thì khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi. Chinh vì vậy, sau khi cân nhắc và tính toán, chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận để không tăng giá bán cho khách hàng của mình", ông Long chia sẻ.

Cũng theo ông Long, việc không tăng giá bán này sẽ làm công ty giảm từ 2 - 3% lợi nhuận. 

Nhiều doanh nghiệp gồng mình không tăng giá bán.

"Giữa lúc khó khăn, chúng tôi chấp nhận đồng hành cũng khách hàng", ông Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Long, để đối mặt với tình trạng nhiều nguyên liệu tăng giá, công ty ông hiện đang thực hiện biện pháp tăng số lượng sản xuất để tiền công và chi phí hao mòn giảm xuống. Nói cách khác là lấy số lượng nhiều để bù chi phí.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho biết, nếu thời gian tới đây, giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng, thì công ty của ông sẽ buộc phải tìm kiếm thêm nhiều giải pháp để giá thành sản phẩm được ổn định.

Cụ thể, công ty có thể tìm kiếm những sản phẩm mới, với chi phí đầu vào thấp hơn, giá thành rẻ hơn, để khách hàng có thể lựa chọn những sản phẩm này.

Cũng trong tình trạng tương tự, ông Kiều Đình Lương - Giám đốc Công ty Cổ phần Thảo dược Nature Herb cho biết, các sản phẩm nhãn hàng thảo dược Mộc Nam của công ty ông đều sử dụng nguyên liệu thảo dược Việt, mà gần đây giá các loại thảo dược trên thị trường liên tục tăng cao 5-12%. 

Cụ thể giá linh chi, hà thủ ô tăng tới 12%, hương thảo, hương nhu, bưởi và nhiều loại khác cũng tăng khoảng 5-6%. 

Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng tăng từ 5-7% do các dây chuyền chiết xuất công xuất lớn tiêu tốn điện và nước và dung môi cao trong khi tình hình giá xăng dầu, điện nước tăng. 

Chi phí tăng cao, trong khi để giữ giá sản phẩm không tăng, công ty chỉ còn cách chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ uy tín và niềm tin cho đối  tác và khách hàng, sử dụng sản phẩm với giá hợp lí nhất.

Bên cạnh đó, công ty ông Lương hiện đang phải áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí như: Tối ưu chi phí marketing, giảm các hoạt động quảng cáo không hiệu quả, tập trung chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Chi phí nhân sự cũng được tối ưu, nâng cao hiệu quả làm việc, cắt giảm các vị trí không cần thiết.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Cty Cổ phần cà phê Haki chia sẻ, giá cà phê nguyên liệu mà công ty ông nhập về hiện nay đã tăng 100% so với năm ngoái. 

Tuy nhiên, để chia sẻ gánh nặng này với khách hàng, công ty ông Chí chấp nhận giảm 50% lợi nhuận và chỉ tăng giá 50% giá bán cho khách hàng.

"Chúng tôi hiện đang phải gồng mình chống chọi với cơn bão giá nguyên liệu đầu vào, nếu giá vẫn tiếp tục tăng như thế này chúng tôi chắc chắc phải tính đến việc cho nhân công làm việc luân phiên để chia sẻ khó khăn với công ty", ông Chí cho hay.

Cũng theo ông Chí, để có thể duy trì hoạt động, hiện công ty ông đã bắt đầu cắt giảm nhân công, thu hẹp diện tích nhà xưởng để giảm bớt chi phí thuê. Đồng thời, nếu như trước đây ông thường nhập dư nguyên liệu, thì nay, ông chỉ dám làm đến đâu mua nguyên liệu đến đấy, vì không biết giá nguyên liệu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng hay giảm. 

Giám đốc một công ty chuyên sản xuất các loại nước uống đóng chai ở TP.HCM cũng chia sẻ, hiện nay giá nhôm nhập khẩu làm vỏ chai và các loại hương liệu trái cây đều tăng 1,8%. Chưa kể, tháng 7 tới đây công ty ông phải tăng lương cho lao động theo quy định. Tất cả những chi phí này sẽ đều cấu thành vào giá sản phẩm. 

Vì vậy, công ty ông đang nỗ lực cắt giảm các chi phí để không tăng giá bán cho người tiêu dùng. 

"Chúng tôi đang cắt giảm các chi phí sản xuất, hao hụt trong sử dụng nguyên, vật liệu, tối ưu hoá máy móc, thiết bị, sao cho thời gian máy nghỉ là ít nhất, để tăng hiệu suất làm việc", vị giám đốc này chia sẻ. 

Thực tế, hiện nay, giá nhiều mặt hàng đã có xu hướng tăng. Bà Trần Ngọc Linh, chủ một cửa hàng tạp hoá ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, gần 1 tháng này, tuần nào cũng có mặt hàng nhà cung cấp điều chỉnh tăng giá, chủ yếu là các nhóm hàng nhu yếu phẩm như: đồ uống đóng chai, thức ăn nhanh, dầu gội đầu,...

"Đa số các mặt hàng này tăng từ 2 - 5%, trong đó nước uống đóng chai là tăng mạnh nhất 5% so với đầu năm", bà Linh chia sẻ.

Hiện các siêu thị cũng đang nỗ lực đàm phán với các nhà cung cấp để không tăng giá sản phẩm, không tăng thêm gánh nặng tiêu dùng cho khách hàng.

Các siêu thị nỗ lực đàm phán với các nhà cung cấp để không tăng giá sản phẩm

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long chia sẻ, từ năm ngoái đến nay, các tập đoàn lớn, sản xuất trong nước cũng chỉ điều chỉnh tăng giá từ 3-5% tại vài sản phẩm, phần lớn là không tăng giá. 

Các nhà cung cấp nhỏ lẻ, có đề nghị tăng giá nhưng không nhiều. Đối với hàng nhập khẩu thì có tăng giá nhẹ do tỷ giá USD biến động và cước vận chuyển tăng.

Để giá cả không bị biến động nhiều, doanh nghiệp ông đã chủ động đàm phán với các nhà cung cấp, ký hợp đồng dài hạn với giá bình ổn. Qua đó nhằm giữ sức mua, và giúp người tiêu dùng bớt khó khăn trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.

Bên cạnh đó, siêu thị cũng áp dụng nhiều chương trình ưu đãi mua sắm với hàng nghìn sản phẩm giá rẻ hơn để người mua chọn lựa.

Châu Anh

Tin mới