Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá năng lượng tăng, dân Mỹ chật vật tìm cách tránh nóng

(VTC News) -

Cái nóng và độ ẩm của mùa hè đang bao trùm nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ, trong hoàn cảnh các gia đình phải đối mặt chi phí năng lượng cao.

"Đối với các gia đình có thu nhập thấp, đây là một thảm họa”, theo chuyên gia của NBC News.

Theo NBC, nhiệt độ và độ ẩm cao ở nhiều khu vực tại Mỹ trong tuần qua đang khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Lạm phát và hóa đơn tiền điện cao càng làm tình hình tồi tệ hơn. 

Tại Macon, Georgia, nhiệt độ ước tính ​​ở mức trên 32,2 độ C vào cuối tuần qua, trước khi đạt mức trên 37 độ trong tuần này. Melissa White, phụ trách của Salvation Army (một nhà thờ và tổ chức từ thiện), cho biết, cơ sở của bà luôn chật cứng người đến tránh nóng.

White nói: “Với giá xăng này, người ta không đủ tiền bật điều hòa dù có lắp trong nhà. Vì vậy, rất nhiều người chưa từng liên hệ với chúng tôi đã đến trạm làm mát”.

Gần một phần ba dân số Mỹ ở các khu vực được cảnh báo và khuyến cáo về nắng nóng trong tuần trước. Đợt nắng nóng đầu mùa đang bao phủ với nhiệt độ thiêu đốt, độ ẩm cao cho hàng triệu người khắp miền trung tây và miền nam nước này.

Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu đang khiến những đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn và khốc liệt hơn, ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Khi nhiệt độ tăng cao, việc tiếp cận cơ sở làm mát có thể trở thành “vấn đề sinh tử”.

Trẻ em chơi ở công viên nước khi nhiệt độ lên tới 46 độ C vào ngày 12/6 ở Imperial, California. (Ảnh: Getty).

Salvation Army đang mở rộng hoạt động trung tâm giải nhiệt để phục vụ công chúng trong đợt nắng nóng. Tổ chức này cũng điều hành một địa điểm để mọi người có thể ở lại qua đêm. White cho biết thêm, bà và các đồng nghiệp đã phải rất vất vả để đáp ứng nhu cầu gia tăng, đặc biệt sau dự báo cho thấy nhiệt độ và độ ẩm cao sẽ kéo dài trong nhiều tuần.

Bà nói: “Có nhiều người đến nỗi chúng tôi đang tìm cách mở một địa điểm thứ hai ngay trong khu thờ phụng của mình. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi chỉ có hệ thống 122 giường, nhưng ngoài ra cũng có giường nhỏ và chúng tôi liên tục đưa mọi người vào cho đến khi không thể đưa được nữa”.

Các thành phố trên khắp nước Mỹ cũng đang có nhiều hoạt động để bảo vệ người dân khỏi bệnh tật và tình trạng tử vong do nắng nóng. Chính quyền địa phương ở Phoenix, Denver và Detroit công bố kế hoạch mở các trung tâm làm mát, phân phối nước cho người dân, dựng các cấu trúc mới để tạo bóng râm trên đường phố. 

Nhiệt độ có thể là “kẻ giết người thầm lặng” vì triệu chứng của bệnh liên quan đến nhiệt không gây chú ý cho đến khi quá muộn. Các cơ quan trong cơ thể có thể hoạt động quá mức hoặc ngừng hoạt động nếu mất khả năng điều chỉnh nhiệt độ và sức nóng. Ngoài ra, nắng nóng cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh khác như bệnh tim, tiểu đường hoặc các vấn đề về thận.

Trẻ nhỏ, người già, người vô gia cư và những người có bệnh từ trước là những người có nguy cơ cao nhất bị bệnh do nắng nóng và tử vong khi nhiệt độ tăng cao, theo NBC. 

Một người nằm trên cỏ khi nhiệt độ ở California chạm mốc 46,1 độ C. (Ảnh: Getty).

Bà Yvette Moyler, 59 tuổi, người dân tại khu vực Columbus, Ohio, cảm thấy trời nóng đến nỗi điều hòa nhiệt độ không “theo kịp”.

“Trong thời tiết này, thật khó thở”, Moyler nói. Bà sống ở Worthington, vùng ngoại ô phía bắc Columbus, nơi khuyến cáo về nhiệt có hiệu lực đến 23/6. Nhiệt độ tại đây tăng cao như những năm thập niên 90, còn chỉ số nhiệt tăng vọt trên 43,3 độ, theo Dịch vụ Thời tiết Quốc gia.

Moyler sống một mình và đang hồi phục sau khi điều trị ung thư vú. Khi trời nắng nóng, các tác dụng phụ từ xạ trị và các phương pháp điều trị khác càng trầm trọng hơn với bà, ví dụ làm khô các xoang bị tổn thương và khiến bà thở khó khăn. Nó cũng làm Moyler trải qua các cơn nóng bừng khi dùng thuốc nhiều hơn, khiến xương khớp của bà khó chịu.

“Nếu trời quá nóng, tôi sẽ đau”, Moyler nói.

Việc mất điện vào tuần trước càng làm tăng thêm vấn đề nhiệt ở khu vực Columbus. Nhà Moyler mất điện hôm 12/6, nhưng bà vẫn tự cho mình là người may mắn. Có những người dân và doanh nghiệp gần đó phải chịu thời gian mất điện lâu hơn.

Tuần trước, bão ở Ohio còn làm sập một số đường dây điện và cơ sở hạ tầng. Theo trang web của công ty dịch vụ địa phương, gần 250.000 khách hàng không có điện hôm 12/6, bao gồm nhiều khách hàng ở khu vực Columbus.

Tình trạng mất điện kết hợp với nắng nóng cũng khiến các nhân viên tại Lifecare Alliance, một tổ chức phi lợi nhuận, phải rất vất vả để cung cấp quạt, máy lạnh và bữa ăn cho những người có nhu cầu. Tổ chức phân phối khoảng 4.000 quạt mỗi năm.

Cựu binh Mỹ Bennie Earsle, 72 tuổi, nghỉ ngơi trên vỉa hè sau khi mua một bình nước tại Houston. (Ảnh: Getty).

Chuck Gehring, Chủ tịch LifeCare Alliance, thông tin rằng, nhiều người đang phải sống tiết kiệm vì chi phí năng lượng - vốn đã tăng do lạm phát và giá cao.

Gehring nói: “Chúng tôi có rất nhiều người sống trong nhà cũ không có máy lạnh hoặc không đủ khả năng bật nó lên. Nhiều người sợ nếu không thanh toán được hóa đơn, họ sẽ bị đuổi ra khỏi nhà”.

Lạm phát và giá năng lượng tăng có tác động không cân đối. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết các gia đình có thu nhập thấp thường chi khoảng 8,6% ngân sách cho năng lượng - gấp gần ba lần số tiền mà các gia đình có thu nhập cao hơn trả.

Trong khi đó, giá trung bình điện dân dụng Mỹ dự kiến ​​tăng gần 4% so với mùa hè năm ngoái, theo cơ quan thông tin năng lượng.

Ở California, nơi nhiệt độ có thể chênh lệch 20 độ trở lên giữa các thành phố ven biển và sâu trong đất liền, các đợt nắng nóng trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, càng trầm trọng hơn do chênh lệch thu nhập.

Nghiên cứu năm 2021 của Đại học California, Davis, cho thấy các khu vực thu nhập thấp ở miền tây nam Mỹ nóng hơn trung bình từ 4 đến 7 độ so với các khu vực thành phố lớn. Sự chênh lệch nhiệt lớn nhất xuất hiện ở các thành phố Nam California như Riverside và San Bernardino. 

Tiến sĩ David Eisenman, Giám đốc Trung tâm Y tế Công cộng và Thảm họa tại Đại học California, Los Angeles, cho biết: “Vào ngày có nhiệt độ khắc nghiệt, các phòng cấp cứu ở Los Angeles ước tính có thêm khoảng 1.500 bệnh nhân, và có thêm khoảng 16 người chết".

Ông nói thêm, cộng đồng người da màu và người Latinh phải chịu những tác động sức khỏe tồi tệ nhất, với tỷ lệ tử vong cao hơn tới 18% so với người da trắng ở Los Angeles. Ví dụ, các khu dân cư ở khu vực thu nhập thấp như Nam Los Angeles ước tính có thêm 20 đến 30 người đến phòng cấp cứu vào những ngày nắng nóng, so với 2 người từ các khu vực giàu có hơn, chỉ cách đó vài km.

Những bất bình đẳng này dự kiến ​​ngày càng gia tăng, khi nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu, gây căng thẳng cho các cơ sở và phương tiện giảm nhiệt vì sức khỏe và an toàn cộng đồng.

Mark Wolfe, Giám đốc điều hành của hiệp hội giám đốc năng lượng quốc gia Mỹ, nói: “Làm mát vẫn được coi là một thứ xa xỉ".

Phương Anh

Tin mới