Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá lợn hơi thấp nhất 1 năm, người dân vẫn phải mua thịt lợn giá đắt

(VTC News) -

Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục ở mức thấp nhưng đến giờ người dân vẫn không thể mua được thịt lợn giá rẻ.

Theo khảo sát, giá thịt lợn hơi ở miền Bắc đang dao động từ 67.000 - 70.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp trong khoảng 1 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng Ban Quản lý chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho biết, giá thịt lợn ở thời điểm hiện tại đang quá "dễ chịu". Cụ thể, giá lợn hơi từ chợ này bán ra ở mức 70.000 - 71.000 đồng/kg đối với lợn ngon. Ông Lộc cho biết thêm, giá lợn nhập từ công ty khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg tuỳ loại, khi được nhập đến chợ tính thêm hao hụt cộng với cước vận chuyển thì mới bán ra với giá đó.

Mặc dù giá thịt lợn hơi đang ở mức thấp nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn không thể mua thịt lợn giá rẻ. Theo khảo sát tại các chợ ở Hà Nội như: Ngã Tư Sở, Khương Đình, Vĩnh Hồ, Quan Nhân, giá thịt lợn đang được bán khoảng 120.000 - 190.000 đồng/kg tuỳ loại. Theo đó, thịt ba chỉ ở mức 160.000 - 170.000 đồng/kg; thịt chân giò 140.000 - 150.000 đồng/kg; thịt nạc vai khoảng 140.000 - 150.000đồng/kg; xương sườn thăn khoảng 180.000 - 190.000 đồng/kg. Có nhiều thời điểm, mức giá này còn tăng lên chút ít.

Thịt lợn vẫn không rẻ khi đến tay người tiêu dùng.

Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán (cuối tháng 1/2021), khi giá thịt lợn hơi ở mức cao, khoảng 84.000 - 87.000 đồng/kg tại khu vực miền bắc, thì giá thịt lợn tại chợ cao nhất cũng chỉ hơn 200.000 đồng/kg, duy có sườn non ở mức cao nhất là 180.000 - 265.000 đồng/kg.

Như vậy, có thể thấy giá thịt lợn thời điểm đó không cao hơn quá nhiều so với hiện tại, chứng tỏ giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn bán cho người dân vẫn đang đắt đỏ.

Chị Lan Anh ở quận Thanh Xuân thắc mắc, liên tục nghe được thông tin thịt lợn hơi giảm giá mạnh nhưng tại sao khi ra chợ mua thịt lợn, giá vẫn không hề giảm. Hỏi người bán thì họ trả lời, họ vẫn phải mua vào giá cao. Chị Lan Anh nghi ngờ tiểu thương bán thịt lợn ở chợ đang "tát nước theo mưa", cố giữ giá bán ra để kiếm lời, nhất là khi nhu cầu lương thực của người dân trong mùa dịch ngày càng cao.

Tuy nhiên, theo một tiểu thương tại chợ Quan Nhân, giá thịt lợn hơi tuy giảm nhưng người bán thịt phải nhập qua tay nhiều cấp nên giá vẫn cao. "Để đến được tay người tiêu dùng, thịt lợn phải qua tay biết bao nhiêu người, từ người nuôi, thương lái, vận chuyển, người mổ, người bán…cho nên giá bị đội lên nhiều. Chúng tôi cũng không thể không ai bảo ai mà đồng loạt để mức giá cao như nhau như thế được. Chúng tôi chỉ bán lại dựa trên giá nhập thôi", người này nói.

Mới đây, thông tin với báo chí về nguyên nhân khiến thịt lợn tới tay người tiêu dùng giá vẫn ở mức cao dù giá lợn hơi giảm mạnh, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thịt lợn từ chăn nuôi đến tay người tiêu dùng phải đi qua nhiều khâu trung gian: Các cơ sở chăn nuôi lớn nhỏ bán cho các lò mổ. Các lò mổ sau đó tiếp tục bán cho nhà phân phối, cửa hàng, tiểu thương ngoài chợ rồi mới đến tay người tiêu dùng.

Do đó, ở thời điểm hiện tại dù giá thịt lợn hơi giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn không mua được thịt lợn giá rẻ. 

Trả lời VTC News, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng việc thịt lợn phải qua quá nhiều khâu trung gian rồi mới đến bán lẻ rồi mới đến tay người tiêu dùng là "sự thất bại tạm thời của hệ thống phân phối".

Ông Phú nhận định không thể phủ nhận vai trò của trung gian, nhưng khâu trung gian và bán lẻ đang ăn lãi quá nhiều. 

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng khâu trung gian ăn lãi quá nhiều đã đẩy giá thịt lợn lên.

Có thể hạn chế thực trạng này bằng cách cắt bớt các khâu trung gian, hoặc thậm chí là luật hóa. Ông Phú dẫn chứng câu slogan từ tập đoàn Walmart (Mỹ) “Đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ với ma sát bằng không". Có nghĩa là đi thẳng từ chuồng trại chăn nuôi đến bán lẻ sẽ giúp giá thành phẩm tới tay người tiêu dùng sẽ được rẻ nhất.

“Hay như ở Thái Lan có điều luật quy định một kg đường bán ra, người nông dân được hưởng 70% lợi nhuận, khâu trung gian hưởng 30%. Sức mạnh của điều luật này khiến cho việc "đẻ" ra 10, 15 khâu trung gian thì cũng chỉ được hưởng 30%. Còn ở Việt Nam thì dường như là đang ngược lại, trung gian hưởng 70%, còn nông dân hưởng 30%”, Ông Phú nhận định.

Ngoài ra, cũng không thể loại trừ nguyên nhân nữa từ khâu bán lẻ. Rất có thể nhiều tiểu thương có tâm lý bán giá cao để kiếm lời. Cuối cùng, chịu thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng.

CÔNG HIẾU

Tin mới