Do tình hình dịch bệnh, từ đầu tháng 8 đến nay, giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng giảm trong khi nguồn cung phục hồi. Tuy vậy, trên thị trường Hà Nội, giá thịt lợn thành phẩm vẫn ở mức cao, khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, thắc mắc.
Giá lợn hơi xuống đáy 2 năm...
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, giá lợn sống trên toàn quốc hiện dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2021, là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng công bố số liệu tương tự và đưa ra nhận định, với việc các địa phương tiếp tục giãn cách xã hội, thị trường đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới sẽ có xu hướng tiếp tục giảm.
Như vậy, mức giá lợn hơi bình quân trong tháng này giảm khoảng 13% so với giá bình quân tháng trước và giảm khoảng 36,7% so với mức giá bình quân của năm trước.
Ngày 23/8, tuy giá lợn hơi ở 3 miền có nhích nhẹ nhưng vẫn ở mức rất thấp. Cụ thể, tại miền Bắc giá thịt lợn hơi khoảng từ 54.000 - 57.000 đồng/kg; miền Trung từ 54.000 - 55.000 đồng/kg; khu vực miền Nam giá thịt lợn hơi giao động từ 52.000 - 56.000 đồng/kg.
...giá ở chợ vẫn cao ngất ngưởng
Trước thông tin giá lợn hơi giảm mạnh, nhiều người tiêu dùng bức xúc phản ánh giá thịt lợn thành phẩm ở chợ truyền thống không hề giảm tương ứng.
"Giảm giá mạnh ở đâu tôi không biết, tôi vẫn phải mua thịt giá cao hàng ngày. Có lẽ giá chỉ giảm trên... tivi thôi", chị Thu Hoài ở Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết.
Giá thịt lợn ngoài chợ giảm nhỏ giọt và vẫn còn cao.
Khảo sát trên thị trường cho thấy, giá thịt lợn đã phân mảnh tại các đầu mối hiện đang ở mức giá 117.000 đồng/kg đối với lợn thường và 120.000 đồng/kg với lợn ngon, giảm từ 5.000-7.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh được tiểu thương bán cho người dân dao động từ 140.000- 160.000 đồng/kg, giảm nhẹ.
Một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nam Trung Yên lý giải, dù giá thịt lợn móc hàm có giảm nhưng việc chi phí vận chuyển quá cao khiến cho thịt lợn thành phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn chưa thể ở mức thấp.
Chị này nói: “Giá thịt lợn ở chợ vẫn đắt vì chi phí vận chuyển quá cao, tầm 500.000 đồng/con từ lò mổ ở Tân Dân (huyện Phú Xuyên) về đến đây. Lò mổ này cho biết vì giãn cách xã hội nên việc vận chuyển khó khăn và phải tăng giá”.
Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán (cuối tháng 1/2021), khi giá thịt lợn hơi ở mức cao khoảng 84.000 - 87.000 đồng/kg tại khu vực miền Bắc thì giá thịt lợn tại chợ cao nhất vào khoảng 200.000 đồng/kg.
So với dịp Tết Nguyên đán, giá lợn hơi nay đã giảm khoảng 25%, trong khi giá thịt thành phẩm mới giảm khoảng 20%.
Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giá thịt đang nằm ở phân khúc cao hơn ở chợ. Tại BigC Hà Đông (Tòa nhà Hồ Gươm Plaza, đường Vũ Trọng Khánh, phường Mộ Lao, quận Hà Đông), thịt lợn có giá 152.000 - 188.000 đồng/kg. Tại Co.opmart (đường Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông), giá thịt lợn dao động 145.900 - 165.000 đồng/kg, đắt nhất là sườn non giá 189.900 đồng/kg. Còn tại điểm bán hàng lưu động của AEON mall, thịt lợn giá 135.000 - 170.000 đồng/kg.
Một khách hàng tại Co.opmart cho biết: “Tôi thường mua thịt lợn trong siêu thị, gần đây tôi thấy giá thành vẫn thế, không giảm chút nào nhưng được cái hàng sẵn lắm, đi muộn 1 chút cũng không lo không chọn được miếng thịt ngon”.
Trên trang web của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, giá thịt ba chỉ lợn Hòa Bình có giá 235.000 đồng/kg; nạc vai lợn Hòa Bình giá 225.000 đồng/kg; sườn thăn lợn Hòa Bình giá 245.000 đồng/kg.
Lý giải về mức giá đắt hơn thị trường, đại diện Sói Biển cho biết, hiện hệ thống đang phân phối 2 loại thịt lợn được nuôi theo phương pháp đặc biệt gồm thịt lợn Hòa Bình và thịt lợn giun quế Ba Lửa.
Thịt lợn Hòa Bình được chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, đảm bảo không có chất tạo nạc, chất tăng trưởng. Nếu các loại thịt lợn được nuôi công nghiệp chỉ 4-4,5 tháng đã xuất chuồng thì lợn Hòa Bình có thời gian nuôi đến 6-7 tháng, khi đạt đủ trọng lượng 80-100kg thì mới chuyển đi khai thác thịt.
Trong khi đó, thịt lợn giun quế Ba Lửa có xuất xứ ở Hà Nam với hệ thống chuồng trại cách biệt, chăn nuôi cầu kỳ cũng phải được nuôi tối thiểu 7 tháng, đạt trọng lượng 100-110 kg/con mới xuất chuồng. Do vậy mức giá của hai loại thịt lợn này thường cao hơn thịt lợn trên thị trường.
Mặc dù giá thịt lợn hơi trong nước đang giảm mạnh, song Việt Nam vẫn nhập khoảng lượng lớn thịt ngoại. Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 80,85 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (trung bình mỗi tháng nhập hơn 13 nghìn tấn); trị giá 187,13 triệu USD (tăng 154,8% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 33,86 nghìn tấn, trị giá 93,38 triệu USD (tăng tới 414,1% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái).
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, tuy Việt Nam nhập khẩu lượng lớn thịt lợn ngoại và sản phẩm này có giá khá rẻ chỉ dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg nhưng do đặc tính tiêu thụ của người Việt là thích ăn thịt nóng, nên đa phần các doanh nghiệp nhập về để bán cho các công ty đưa vào chế biến thực phẩm như xúc xích, viên…và bếp ăn công nghiệp, ít bán lẻ ra ngoài thị trường.