Trong mưa bom lửa đạn, bộn bề gian khó, có một già làng người Cơ tu vẫn “gom nhặt” những số phận nghiệt ngã về nuôi, sẵn sàng hiến những mảnh vườn quý giá của mình để xây dựng nhà văn hóa, công trình nước sạch.
Ông là Hồ Văn Rắt ở thôn Ta Lu, xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế).
Cạnh ngôi nhà Gươl nằm cuối thôn Ta Lu là căn nhà làm bằng gỗ lợp mái ngói đã nhuốm màu thời gian của già làng Rắt. “Tài sản” cũng là niềm vui lớn của già Rắt lúc này là những tấm huy chương thời chống Mỹ, những đàn cháu nhỏ vui đùa dưới mái nhà Gươl.“Ông Bụt”
Nỗi đau mất mát người thân, bà con làng xóm đã thôi thúc già lên đường chiến đấu chống Mỹ năm chỉ vừa tròn 16 tuổi. Ít năm sau, già lập gia đình và tiếp tục cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Rít hơi thuốc thật dài, già hồi ức một thời chiến đấu và chuyện “gom nhặt” những số phận nghiệt ngã về nuôi.
Ông là Hồ Văn Rắt ở thôn Ta Lu, xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) |
Hai năm sau, một “cơ duyên” khác khiến già Rắt gặp em Hồ Văn Thuận mới 9 tuổi. Mẹ hy sinh, nhà cửa tan hoang do chiến tranh, bố lại nghèo nên đành “gửi” Thuận cho già Rắt rồi đi mãi không về. Trong bộn bề gian khó, già vẫn chăm lo nuôi nấng Thuận khôn lớn thành người.
Già dựng vợ gả chồng và xây dựng cho Thuận một căn nhà mới rồi ra ở riêng tại xã Thượng Lộ. Hỏi chuyện về người cha nuôi, Thuận tâm sự: “Bố Rắt thánh thiện lắm, nuôi dạy, thương yêu mình như con đẻ. Không có bố thì cuộc đời mình bây giờ chẳng biết ra sao nữa”.
Câu chuyện của Hồ Văn Chét không kém phần xúc động. Chét mồ côi cha mẹ từ lúc 15 tuổi. Già Rắt đưa về nuôi dạy, đùm bọc như con đẻ. Lớn lên, Chét tham gia vào đội du kích của xã. Mấy năm sau hòa bình lập lại, một người chị của Chét đến nhận lại em. Già rắt vừa mừng vừa tủi khi chứng kiến sự đoàn tụ của hai chị em Chét.
Sau ngày đất nước giải phóng, già Rắt được dân bản tín nhiệm chức trưởng thôn. Lúc này nhiều hủ tục của người Cơ Tu vẫn hằn sâu trong tấm trí mỗi người dân. Quan niệm về ốm đau, bệnh tật là do ma xui, quỷ ám.
Mẹ Hồ Văn Thòn ở thôn Ta Lu bị bệnh tâm thần, quậy phá xóm làng nhưng người cha cho rằng ma ám nên định đưa lên rẫy đốt. Già Rắt hay tin đã đến can ngăn kịp thời và xin nhận về chăm sóc. Hành động của già Rắt là bài học để bà con dân bản noi theo, dần dần xóa bỏ những hủ tục.
Chỉ vài năm sau đó, bố mẹ của Thòn đều chết do bệnh sốt rét hiểm nghèo. Già Rắt nhận ba anh em của Thòn về nuôi dạy nên người đến khi định vợ gả chồng.
“Dù lập gia đình ra ở riêng nhưng bố Rắt luôn là người cha thân yêu, gần gũi của ba anh em. Anh em mình luôn bên cạnh bố để an ủi, vỗ về lúc tuổi già sức yếu để không phụ công ơn nuôi dạy thành người”, Hồ Văn Thòn tâm sự.
Hiến đất xây nhà Gươl
Ngôi nhà văn hóa cộng đồng nằm cuối thôn Ta Lu được mọc lên ngay trên chính mảnh đất vườn rộng 400m2 do già Rắt hiến cách đây mấy năm. Hằng đêm, hay những ngày lễ lớn tại nhà văn hóa vui như hội. Trẻ em nô đùa quanh nhà gươl dưới ánh trăng rằm, người lớn với những đồng phục truyền thống, múa điệu cha chấp, tiếng cồng chiêng vang vọng...
“Mỗi lần chứng kiến cảnh bản làng sum vầy, vui nhộn, lòng già sướng lắm. Già thật sự thỏa mãn, không bõ công những gì đã cống hiến cho bản làng, quê hương”, già Rắt tâm sự.
Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thượng Nhật nhận xét, già rắt là người mẫu mực, nhân hậu, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước dân bản, là tấm gương sáng về học tập và làm theo bác.
Chuyện hiến đất xây nhà văn hóa của già làng Rắt bắt đầu từ năm 2011. Lúc đó, xã Thượng Nhật vừa mới thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới.
Tại mỗi thôn, theo quy định phải có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Thôn Ta Lu thuộc diện khó khăn, cần xây dựng ngôi nhà cộng đồng không chỉ gìn giữ nét văn hóa nhà Gươl, mà còn làm nơi sinh hoạt, học tập của người dân bản làng. Chủ trương được quán triệt, vật chất, tinh thần sẵn sàng nhưng xây dựng ở đâu cho hợp lý là vấn đề nan giải.
Đất đai ở Ta Lu tuy còn nhiều nhưng toàn là đồi núi, đạn bom còn sót lại sau chiến tranh. Già Rắt bàn với vợ và mạnh dạn hiến 400m2 đất vườn của mình để xây dựng nhà gươl, trước sự chứng kiến và cảm phục của người dân địa phương. Không chỉ hiến đất, già tuy tuổi cao sức yếu vẫn tham gia xây dựng công trình.
Mới đây, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, già hiến thêm 150m2 đất xây dựng công trình nước sạch. Già Rắt nói: “Cứ mỗi lần chứng bà con bản làng gồng gánh nước từ các khe suối xa xôi về uống, hay sử dụng nguồn nước bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, lòng già quặn đau. Khi nghe chủ trương xây dựng công trình nước sạch, già mừng lắm. Gia đình mình không có tiền đóng góp, nhưng hiến đất thì sẵn sàng”.
Nguồn nước mát trong rồi cũng về được với bản làng. Chứng kiến niềm vui của bà con dân bản, già vui mừng khôn xiết. Những nghĩa cử, việc làm của già Rắt cũng chính là bài học không chỉ đối với dân bản Ta Lu, mà cả người dân Nam Đông noi theo, nhất là tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo Hoàng Triều/ Báo Thừa Thiên Huế