Hàng hóa ngày càng đắt
Từ sau Tết Nguyên đán, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng. Gần đây nhất là vào ngày 11/3, sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng đã gần chạm mức 30.000 đồng/lít. Kéo theo đó, từ rau củ quả, thực phẩm đến các mặt hàng tiêu dùng cũng lũ lượt tăng.
Theo khảo sát của VTC News sáng 15/3, tại các chợ dân sinh ở Hà Nội như Láng Hạ, Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở…giá các loại rau củ đang ở mức cao, tăng rõ rệt so với trước Tết. Ví dụ rau cải thảo giá 26.000 đồng/kg, cao gấp đôi; súp lơ giá từ 15.000 đồng/cây lên 20.000 đồng/cây; bắp cải từ 10.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg; cải canh từ 5.000 đồng/mớ lên 8.000 đồng/mớ…
Tương tự, các mặt hàng thịt và hải sản cũng đắt lên. Tại chợ, thịt nạc thăn từ 130.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn từ 100.000 đồng/kg lên 110.000 đồng/kg; cá rô phi tăng 5.000 đồng/kg từ 35.000 - 45.000 đồng/kg (tùy kích cỡ); tôm từ 250.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại (tăng 30.000 đồng/kg). Giá thịt bò cũng ở mức cao từ 240.000 - 350.000 đồng/kg…
Các mặt hàng khô cũng không ngừng tăng giá khiến không ít bà nội trợ ngỡ ngàng. Chủ một tiệm tạp hóa tại phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội nói: “Mì ăn liền, dầu ăn là tăng giá nhiều nhất. Sau nhiều lần tăng, các loại mì đã đắt hơn trước từ 1.000 - 2.000 đồng/gói. Dầu ăn Simply cũng trải qua nhiều lần tăng và từ khoảng 44.000 - 45.000 đồng nay đã lên 60.000 đồng/chai 1 lít”.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng thiết yếu khác như sữa, gạo, đồ uống, thực phẩm đồ hộp, đồ gia dụng...cũng đồng loạt tăng giá bán.
Trưởng phòng kinh doanh của chuỗi siêu thị Tmart cũng thông tin, dầu ăn, mì gói và sữa hiện đang là mặt hàng tăng giá nhiều nhất. “Từ đầu năm đến nay, cùng với việc xăng dầu tăng giá là các nhà cung cấp liên tục điều chỉnh giá bán các mặt hàng như dầu ăn, nước mắm, mì gói với mức tăng khoảng 15-20%. Các loại sữa Vinamilk, TH Truemilk…cũng bắt đầu tăng giá từ tháng 3, tháng 4 này”.
Nhiều loại hàng hóa ngày càng đắt đỏ, siêu thị phải tìm cách hạn chế đà tăng. (Ảnh minh họa: Phunuonline)
Siêu thị nỗ lực ghìm giá
Nói về tác động của xăng dầu đến giá các loại hàng hóa, ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực miền Bắc của Saigon Co.op (đơn vị điều hành Co.opmart) chia sẻ: “Cấu thành giá xăng dầu trong hàng hóa chỉ chiếm khoảng 7-8%, không nhiều, do đó việc xăng tăng giá không quá ảnh hưởng đến các mặt hàng tươi sống. Thế nhưng đối với các mặt hàng chế biến công nghiệp, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu như mì gói, dầu ăn, sữa thì lại vô cùng ảnh hưởng. Phía nhà cung cấp những mặt hàng này đã gửi cho chúng tôi đề xuất tăng giá kể từ khi giá xăng dầu bắt đầu điều chỉnh”.
Tuy nhiên, theo ông Liêm, siêu thị sẽ xem xét kỹ lưỡng từng nhóm hàng trước khi quyết định tăng giá bán sản phẩm. Đối với những mặt hàng đề xuất bất hợp lý, siêu thị sẽ bác bỏ và không chấp nhận mức giá tăng mà các nhà cung cấp đề xuất.
Đồng thời, siêu thị sẽ áp dụng độ trễ tăng giá với khoảng thời gian từ 1-2 tuần. “Ví dụ những mặt hàng mà chúng tôi cho là hợp lý để tăng giá và chấp nhận mức tăng đó thì chúng tôi không áp dụng tăng ngay lập tức mà phải có độ trễ”, ông Liêm nói.
Bên cạnh đó, Co.op cũng đã cố gắng kiểm soát các chi phí vận chuyển bằng cách phối hợp cơ sở vật chất hiện có của Saigon Co.op với các nhà cung cấp để hình thành sơ đồ vận chuyển khoa học hơn, kết hợp với việc kiểm soát bằng công nghệ số nhằm tiết giảm chi phí vận chuyển.
Còn đại diện Tmart cho biết, dù các nhà cung cấp đã tăng giá nhưng họ đang giữ giá bán cũ cho người tiêu dùng bằng cách tiếp tục bán những hàng hóa đã nhập với giá cũ. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời bởi những hàng hoá cũ sẽ nhanh chóng bán hết, họ buộc phải tăng giá khi lô hàng mới lên kệ.
Trong khi đó, phía siêu thị BigC, với năng lực bán hàng mạnh mẽ, họ đã dùng hiệu quả kinh doanh của mình để ký hợp đồng bao tiêu với các nhà cung cấp, thời hạn kéo dài hàng năm. Yếu tố giá thành cũng đã được thỏa thuận rõ trong hợp đồng, do đó hiện giá bán của siêu thị này tạm thời chưa bị ảnh hưởng.