Sau khi tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, hai phiên giao dịch gần đây, giá gạo xuất khẩu trên thế giới quay đầu giảm ở tất cả các mặt hàng.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta sau khi tăng lên 643 USD/tấn và gạo 25% tấm là 628 USD/tấn cuối tháng 8 thì trong phiên 6/9, giá hai mặt hàng này quay đầu giảm mạnh 10 USD/tấn.
Đến phiên 7/9, gạo 5% tấm và 25% tấm tiếp tục giảm thêm 5 USD/tấn, lần lượt về mức 628 USD tấn và 613 USD/tấn.
Tương tự, gạo Thái Lan và Pakistan cùng chung xu hướng giảm ở tất cả mặt hàng. Theo đó, ngày 7/9 giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm 10 USD/tấn, còn 618 USD/tấn, phiên trước đó mặt hàng này cũng giảm 5 USD/tấn; gạo 25% tấm của của nước này giảm mạnh 12 USD/tấn, về mức 563 USD/tấn.
Cùng ngày, gạo Pakistan đồng loạt giảm 5 USD/tấn, lần lượt về mức 608 USD/tấn với gạo 5% tấm và 538 USD/tấn với gạo 25% tấm.
Từ số liệu trên cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao nhất thế giới. Trong khi, giá gạo 5% tấm của Thái Lan và Pakistan chung xu hướng giảm, lùi dần về mốc 600 USD/tấn
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng, giá gạo trên thị trường thế giới thời gian qua tăng dựng đứng một phần do hiệu ứng tâm lý sau khi Ấn Độ và một số quốc gia áp lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này.
Thế nhưng, việc Philippines áp trần giá bán lẻ gạo trong nước - động thái nhằm bình ổn giá gạo, tránh tình trạng thao túng, đầu cơ tích trữ khi giá bán lẻ tăng ở mức báo động - đã tác động mạnh tới giá gạo toàn cầu.
Bởi, Philippines là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam. Họ áp mức giá trần thấp hơn nhiều so với giá gạo thế giới, đồng nghĩa các quốc gia khó có thể xuất bán vào thị trường này do chênh lệch giá. Điều đó kéo giá gạo trên thị trường thế giới giảm trong những phiên gần đây, ông Bình cho hay.
Ở khía cạnh khác, giá gạo giảm doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận với các nhà nhập khẩu. Bởi Philippines, Indonesia hay các quốc gia nhập khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đều chịu mức giá cao, gần như không thể mua giá cao hơn.
Tuy nhiên, giá lúa gạo tại thị trường nội địa vẫn quá cao. Đây là bất cập khiến doanh nghiệp mắc kẹt, không dám mua bán gạo, vì nếu mua hàng để xuất khẩu sẽ gánh lỗ nặng.
Giá lúa tại thị trường nội địa vẫnh chênh lệch lớn cho với giá xuất khẩu (Ảnh: Hồ Hải Hoàng)
“Giá lúa trong nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, trên dưới 8.000 đồng/kg - tương đương giá gạo 5% tấm xuất khẩu phải ở ngưỡng 680-690 USD/tấn”, ông Bình tính toán.
Ông Bình dự đoán, giá gạo thế giới không thể giảm sâu. Mấy phiên gần đây, giá có xu hướng giảm, song chỉ giảm ở phần tăng trước đó do tâm lý. Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu gạo diễn ra bình thường, giá lúa tại thị trường nội địa phải giảm về mức 7.000-7.200 đồng/kg.
Tại ĐBSCL, giá thành sản xuất lúa của nông dân chỉ vào khoảng 3.500 đồng/kg. Thế nên, khi bán ở với giá 7.000 đồng/kg đã đảm bảo lợi nhuận. Trong trường hợp giá lúa vẫn cao ngất ngưởng, vượt xa giá xuất khẩu như hiện tại thì doanh nghiệp sẽ không thể mua bán.
“Hiện nay, hợp đồng xuất khẩu gạo chỉ vài container doanh nghiệp còn dám ký kết. Với những hợp đồng lớn vài chục tấn doanh nghiệp đều không dám ký thêm vì sợ phải bù lỗ”, ông chia sẻ.
Thực tế, thời gian qua, một số doanh nghiệp ở An Giang, Cần Thơ đã đàm phán với phía đối tác nhập khẩu đề nghị mức giá 680-700 USD/tấn nhưng không nhận được sự đồng tình. Thời hạn giao hàng cũng phải giãn ra để tránh đôi bên đều thua lỗ.
Tại thị trường nội địa, theo thống kê từ VFA, giá lúa gạo tuần cuối tháng 8 (từ 25-31/8) đã được điều chỉnh tăng. Theo đó, giá lúa bình quân tại ruộng tăng lên 8.079 đồng/kg, lúa tại kho giá 9.242 đồng/kg, gạo lứt loại 1 giá 12.646 đồng/kg, gạo xát trắng loại 1 ở mức 14.750 đồng/kg, gạo 5% tấm 14.564 đồng/kg, gạo 15% tấm 14.333 đồng/kg, loại 25% tấm giá 14.033 đồng/kg...
Ngày 8/9, giá lúa ở ĐBSCL dao động ở mức 7.800-8.400 đồng/kg, giá gạo từ 11.950-14.200 đồng/kg.