Trong phiên đầu tuần (29/10) giá dầu đi xuống, sau khi Nga phát đi tín hiệu rằng sản lượng dầu sẽ vẫn ở mức cao và triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy khả quan đã làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu dầu thô.
Các hàng hóa công nghiệp như dầu thô cũng bị ảnh hưởng bởi sự lao dốc trên các thị trường chứng khoán toàn cầu do lo ngại về lợi nhuận doanh nghiệp và tác động của căng thẳng thương mại đối với tăng trưởng kinh tế, cũng như đồng USD mạnh lên.
Sang phiên ngày 30/10, giá dầu tiếp tục giảm hơn 1% do dấu hiệu nguồn cung đang tăng lên và những lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu sụt giảm bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Phiên này, giá dầu Brent đã có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 24/8 là 75,09 USD/thùng, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) rơi xuống mức 65,33 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 17/8.
Nhân viên bơm xăng tại một trạm bán xăng dầu ở Cairo, Ai Cập. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng giá dầu cao đang làm “tổn thương” đến người tiêu dùng và có thể làm giảm nhu cầu năng lượng tại thời điểm hoạt động kinh tế toàn cầu chậm lại.
Số liệu từ Refinitiv Eikon cho thấy sản lượng dầu của Nga, Mỹ và Saudi Arabia đã lần đầu tiên đạt mức 33 triệu thùng/ngày trong tháng Chín, tăng 10 triệu thùng/ngày kể từ khi bắt đầu thập niên này và riêng ba nhà sản xuất lớn này hiện đáp ứng hơn 30% nhu cầu dầu thế giới.
Tới phiên giao dịch ngày 31/10, giá dầu thế giới vẫn duy trì đà đi xuống và tháng Mười cũng là tháng chứng kiến dầu Brent và WTI giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016, với các mức giảm lần lượt là 8,8% và 10,9%.
Theo các chuyên gia, những dấu hiệu về sự gia tăng nguồn cung trên toàn cầu đã gây sức ép đối với thị trường dầu mỏ. Trong tháng 10, sản lượng dầu của Nga đạt 11,41 triệu thùng/ngày, mức cao chưa từng có kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11, giá dầu thế giới giảm gần 3%, trong đó giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4, do những lo ngại nhu cầu dầu trên toàn cầu đang yếu đi trong lúc sản lượng của các nước sản xuất dầu lớn gia tăng mạnh.
Bộ Năng lượng Mỹ mới đây cho biết tổng sản lượng dầu thô của Mỹ đã chạm mức cao kỷ lục 11,35 triệu thùng/ngày trong tháng 8 và được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng.
Bước vào phiên giao dịch cuối tuần (2/11), giá dầu tiếp tục giảm, với giá dầu Brent giảm 6 xu Mỹ xuống 72,83 USD/thùng; còn giá dầu WTI giảm 55 xu Mỹ xuống 63,14 USD/thùng.
Giá cả hai mặt hàng này đều giảm hơn 15% kể từ các mức cao trong gần bốn năm đạt được hồi đầu tháng 10. Theo các chuyên gia, sự gia tăng đáng kể nguồn cung trên toàn cầu trong hai tháng qua đang gây áp lực giảm giá lên thị trường “vàng đen”.
Sản lượng dầu cao đang lấn át những lo ngại rằng thị trường sẽ không thể bù đắp cho việc lượng dầu xuất khẩu của Iran sụt giảm, khi lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào tuần tới. Theo một quan chức Mỹ, cung dầu mỏ thế giới sẽ vượt cầu trong năm tới và giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran xuống 0.
Bên cạnh đó, dầu cũng đang chịu áp lực trước những lo ngại gia tăng về khả năng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết và bắt đầu ảnh hưởng đến các nền kinh tế thị trường mới nổi. Giới phân tích dự đoán hoạt động bán ra sẽ gia tăng trong những ngày tới.