Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá dầu sắp có đợt lao dốc mới?

Các chuyên gia nhận định nguồn cung dồi dào, khả năng OPEC tăng sản lượng khai thác và nhu cầu tiêu thụ yếu có thể khiến giá dầu trải qua một đợt lao dốc mạnh.

Hôm 7/9, giá dầu thô giảm mạnh, chạm mức thấp nhất tính từ tháng 7. Nguyên nhân là Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - giảm giá tháng 10 đối với dầu Arab Light bán cho các nước châu Á. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5.

Ở phiên giao dịch ngày 7/9 theo giờ Việt Nam, giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giảm 0,65 USD (1,61%) xuống 39,13 USD/thùng. Trong ngày, có thời điểm WTI trượt dốc xuống 38,55 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ 10/7.

Giá dầu Brent biển Bắc (Anh) cũng giảm 0,61 USD/thùng (1,41%) xuống 42,06 USD/thùng, sau khi có lúc rơi xuống 41,51 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 30/7.

Giá dầu thô trượt dốc khi nhu cầu yếu hơn dự kiến. (Ảnh: Reuters)

Lao dốc mạnh

"Giá dầu thô tiếp tục trượt dốc sau khi Saudi Aramco tuyên bố sẽ giảm giá vào tháng 10 do đại dịch đè nặng lên nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Giá WTI giao tháng 10 có lúc lao dốc xuống 38,55 USD/thùng", ông Neil Wilson, Trưởng Bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com (London), bình luận.

"Tôi cho rằng nhu cầu sẽ yếu hơn dự kiến. Đà phục hồi đối với việc di chuyển, các chuyến đi công tác và giải trí cũng như đến văn phòng làm việc đều chậm chạp. Giá sẽ giảm hơn nữa. Tuy nhiên, điều này có thể thúc đẩy OPEC+ hành động thêm", ông Wilson nói với Zing.

Đồng quan điểm, ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích cao cấp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ), cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục giảm mạnh.

"Nguồn cung dồi dào, lo ngại về việc nới lỏng cắt giảm sản lượng của OPEC+ và sự kết thúc của mùa di chuyển cao điểm tại Mỹ đã làm xói mòn niềm tin vào thị trường dầu mỏ", ông Halley giải thích với Zing.

Bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh cùng nỗ lực kích thích kinh tế và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu, tình trạng thừa mứa nguồn cung vẫn buộc hàng loạt nhà máy lọc dầu hạn chế sản lượng, các nhà sản xuất phải hạ giá sâu hơn.

Các chuyên gia dự báo giá dầu sẽ giảm hơn nữa. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố sẽ đề xuất OPEC và các nước đồng minh hành động để đẩy mạnh phục hồi nhu cầu dầu trên toàn cầu trở lại mức trước khi đại dịch diễn ra. Theo ông, nếu không có thỏa thuận của OPEC+ trong việc cắt giảm sản lượng, ổn định thị trường và giá cả, giá dầu sẽ rơi xuống 10-20 USD/thùng.

Theo thỏa thuận OPEC+, sản lượng khai thác dầu của Nga dự kiến giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước trong 5 tháng cuối năm. Tuy nhiên, OPEC và các đồng minh đã nới lỏng cắt giảm sản lượng từ tháng 8 xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày sau khi giá dầu toàn cầu phục hồi từ mức đáy hồi đầu năm.

Ngày Lao động (7/9) vừa qua cũng đánh dấu sự kết thúc của mùa di chuyển cao điểm tại Mỹ. Do đó, nhu cầu dầu sẽ tiếp tục lao dốc trong khi lượng hàng tồn kho vẫn ở mức cao.

Có thể rơi xuống 35 USD/thùng

"Ngay cả khi các tín hiệu phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục gia tăng, tôi cho rằng giá dầu vẫn giảm mạnh", chuyên gia Halley tại Oanda bình luận. Theo ông, một đợt phục hồi cơ cấu đối với giá dầu sẽ chỉ xảy ra khi các động lực kể trên được điều chỉnh một cách đáng kể.

"Mức thấp kỷ lục hồi đầu năm nay là một sự bất thường và sẽ không lặp lại. Tuy nhiên, dầu thô Brent sẽ được giao dịch ở vùng 35-45 USD/thùng trong phần còn lại của năm", ông Halley giải thích.

"Quỹ đạo của giá dầu phụ thuộc vào việc vaccine COVID-19 có được đưa vào sử dụng trong năm nay hay không, cũng như quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới", vị chuyên gia cao cấp tại công ty giao dịch ngoại hối Mỹ nói thêm.

Nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chật vật gượng dậy. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vẫn tăng cao. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, tổng số người yêu cầu hỗ trợ ở tất cả chương trình trợ cấp trong tuần 8-15/8 là 29,2 triệu người, tăng 2,2 triệu người so với tuần trước đó.

Trong khi đó, các chỉ số đo lường hoạt động kinh tế của châu Âu cũng không mấy lạc quan. Hàng loạt nhà máy châu lục đang cố gắng cắt giảm chi phí do nhu cầu và lợi nhuận sụt giảm.

Nhu cầu di chuyển và sản xuất vẫn khó phục hồi về mức trước khi đại dịch diễn ra. (Ảnh: Phạm Thắng)

Theo ông Warwick McKibbin tại Viện Brookings và Đại học Quốc gia Australia, ngay cả khi vaccine chống COVID-19 được tìm ra, việc đưa vào sử dụng với quy mô toàn cầu cũng mất rất nhiều thời gian. Các mô hình của ông chỉ ra đến năm 2025, virus có thể gây thiệt hại 35.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới.

Mới đây, JPMorgan đã hạ dự báo nhu cầu dầu trong nửa cuối năm 2020 thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nâng mức dự báo giá dầu Brent trung bình cho cả năm 2020 từ 40 USD/thùng lên 42 USD/thùng.

Dự báo của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khiêm tốn hơn. Ông cho rằng việc nhu cầu tổng thể về dầu giảm khoảng 9-10 triệu thùng/ngày là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguồn: Zing News

Tin mới