Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất 5 tháng qua vào đầu phiên giao dịch 8/4, do được hỗ trợ từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu ngoài OPEC, cũng như các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với Iran và Venezuela, cộng với số liệu việc làm tích cực tại Mỹ.
Giá dầu tăng vọt ngay phiên giao dịch đầu tuần
Tại thị trường Singapore vào lúc 7 giờ 47 phút (giờ Việt Nam), dầu Brent giao kỳ hạn được mua bán với giá 70,69 USD/thùng, tăng 0,35 USD (tương đương 0,5%) so với mức giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 0,35 USD (khoảng 0,6%) lên 63,43 USD/thùng.
Vào đầu phiên giao dịch 8/4, giá dầu Brent và WTI có lúc tăng lên 70,76 USD/thùng và 63,48 USD/thùng, đều là các mức cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Theo ngân hàng J.P.Morgan (Mỹ), giá dầu Brent đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm 2019 đến nay giữa bối cảnh OPEC và một số nước sản xuất dầu lớn tiếp tục cắt giảm sản lượng trong 4 tháng liên tiếp và sự lạc quan về diễn biến của các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên hy vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ gia tăng trong tương lai.
Các thương nhân cho biết số liệu việc làm tích cực mà Mỹ công bố vào cuối ngày 5/4 vừa qua (giờ địa phương) đã góp phần hỗ trợ các thị trường châu Á vào đầu ngày giao dịch 8/4. Công ty tư vấn năng lượng FGE cho hay việc OPEC và các nước sản xuất dầu ngoài OPEC cắt giảm sản lượng có nghĩa là “tình trạng dư cung dầu đang giảm dần và thị trường dầu thế giới hướng tới trạng thái cân bằng, với giá dầu Brent có thể sẽ tăng lên 75 USD/thùng hay cao hơn”.
Trong khi đó, giá dầu cũng nhận được cú hích từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela - hai nước thành viên OPEC. Theo FGE, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể khiến lượng dầu xuất khẩu của Venezuela giảm bớt 500.000 thùng/ngày. Ngoài ra, sản lượng dầu thô của Mỹ cũng chạm mức cao kỷ lục 12,2 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 3/2019.