Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất 4 tháng

Đà giảm của dầu thô thế giới vẫn chưa dừng lại. Rủi ro suy thoái của các nền kinh tế lớn tiếp tục đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất 4 tháng.

Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 14/7, dầu thô thế giới vẫn tiếp tục đà giảm. Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã rơi xuống mức thấp nhất trong 4 tháng.

Cụ thể, tính đến 17h15, giá dầu thô Brent ở mức 97,68 USD/thùng, giảm gần 2% so với một ngày trước đó. Đây là mức thấp nhất của loại hàng hóa này kể từ hôm 17/3.

Trong khi đó, dầu WTI được giao dịch quanh ngưỡng 94 USD/thùng, giảm 2,44% so với 24 giờ trước đó, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 11/4.

Theo giới quan sát, giá dầu lao dốc khi giới đầu tư lo ngại rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay nâng lãi suất có thể hạ nhiệt lạm phát, nhưng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu dầu.

Giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất 4 tháng - 1

Hôm 14/7, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng. (Ảnh: Trading Economics)

 

Sức ép về phía cầu

Đà giảm của giá dầu đã kéo dài 2 tuần do lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng phình to, ngay cả khi nguồn cung dầu thô vẫn eo hẹp vì xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.

"Nếu không có sự gián đoạn nguồn cung lớn, giá dầu có thể vẫn duy trì dưới ngưỡng 100 USD/thùng trong một thời gian, cho đến khi triển vọng nhu cầu được cải thiện", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận.

"Hiện tại, Trung Quốc có thể áp dụng các lệnh phong tỏa một lần nữa. Châu Âu đang gấp rút hạ nhiệt nhu cầu dầu và có khả năng rơi vào một cuộc suy thoái. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ cũng đang giảm tốc tăng trưởng khá nhanh", vị chuyên gia nói thêm.

Nhiều thành phố tại Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp chống dịch mới, từ dừng hoạt động của một số cơ sở kinh doanh đến phong tỏa những khu vực ghi nhận ổ dịch mới. Các động thái này nhằm ngăn làn sóng dịch bệnh sau khi biến chủng BA.5.2.1 của Omicron xuất hiện tại Thượng Hải.

Theo dữ liệu hải quan được công bố hôm 13/7, trong tháng 6, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018. Nguyên nhân là các nhà máy lọc dầu sợ rằng nhu cầu sẽ lao dốc vì những đợt phong tỏa.

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng chỉ ra nhu cầu đã lao dốc xuống còn 18,7 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021. Tồn trữ dầu thô cũng tăng. Một phần nguyên nhân là việc xả kho dự trữ chiến lược.

"Rõ ràng là sự chú ý đã chuyển sang phía cầu", ông Tamas Varga - nhà phân tích tại PVM Oil Associates - bình luận. Theo ông, điều thú vị là nguồn cung thực tế vẫn không theo kịp nhu cầu, nhưng giá bị chi phối bởi sự thay đổi tâm lý của nhà đầu tư.

Nguy cơ FED mạnh tay nâng lãi suất

Dữ liệu lạm phát mới của Mỹ cũng tác động tiêu cực lên triển vọng giá dầu. Theo số liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Con số này cũng vượt xa dự báo trước đó của giới quan sát.

Điều này có thể ảnh hưởng lớn tới quyết định nâng lãi suất của FED trong cuộc họp sắp tới. Để đối phó với mức lạm phát chưa từng có, FED đã nâng lãi suất 3 lần trong năm nay. Theo dữ liệu của CME Group, giới đầu tư đang đặt cược vào khả năng FED quyết liệt hơn nữa trong việc tăng lãi suất.

83% nhà đầu tư tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất 1 điểm phần trăm tại cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 7.

Theo Reuters, chiều 13/7, Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta Raphael Bostic cho biết khả năng nâng lãi suất 100 điểm cơ bản có thể được các quan chức cân nhắc trong cuộc họp ngày 26-27/7.

Việc FED nâng lãi suất sẽ tác động tiêu cực tới các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu và làm gia tăng rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Việc FED nâng lãi suất 100 điểm cơ bản có thể theo sau động thái tương tự của Ngân hàng Trung ương Canada hôm 13/7. Lãi suất đi lên sẽ làm giảm sức hút của các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu thô.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư đổ xô vào đồng USD, vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động. Hôm 13/7, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với những loại tiền tệ chính khác - đã tăng lên mức cao kỷ lục. Điều đó khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn với những nhà giao dịch bên ngoài Mỹ.

Cuối cùng, việc FED nâng lãi suất mạnh tay có thể đẩy kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái, từ đó làm giảm nhu cầu dầu.

Nguồn: Zing News

Tin mới