"Giá thiết bị quân sự và đạn dược đang tăng vọt. Hiện tại, chúng ta đang phải trả rất nhiều tiền nhưng chỉ đủ mua số lượng đạn dược tương đương trước đây. Điều này có nghĩa là việc gia tăng chi tiêu quốc phòng sẽ không giúp chúng ta tăng cường an ninh", Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch ủy ban quân sự NATO, phát biểu trong cuộc họp giữa các quan chức quốc phòng NATO tại Oslo (Na Uy) vào ngày 17/9.
Theo đó, ông Bauer kêu gọi thúc đẩy đầu tư tư nhân nhiều hơn vào lĩnh vực quốc phòng để tăng cường năng lực sản xuất, đồng thời kêu gọi các quỹ hưu trí và ngân hàng ngừng coi đầu tư quốc phòng là "phi đạo đức".
"Sự ổn định lâu dài cần được ưu tiên hơn lợi nhuận ngắn hạn. Như chúng ta đã thấy ở Ukraine, xung đột là một sự kiện ảnh hưởng đến toàn xã hội. Nền kinh tế Ukraine hứng chịu thiệt hại lên tới 40% chỉ trong những ngày đầu tiên của cuộc xung đột, đó là khoản tiền tư nhân rất lớn và số tiền đó đã hoàn toàn biến mất", ông Bauer nói thêm.
Lực lượng Ukraine điều khiển pháo tự hành M109 tại vùng Donetsk. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, Đô đốc Rob Bauer nhận định tình trạng thiếu đạn dược không phải nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ cuộc phản công của Ukraine.
Ông chia sẻ: “Cuộc phản công diễn biến chậm vì đây là hoạt động cực kỳ nguy hiểm, có một bãi mìn rất sâu, hơn khoảng 10 km, và có tới 5 - 6 quả mìn được đặt trong một mét vuông".
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhu cầu về vũ khí và đạn dược tại NATO đã tăng lên nhanh chóng. Các quốc gia NATO không chỉ chạy đua viện trợ cho Kiev mà còn đang nỗ lực củng cố kho dự trữ vũ khí của riêng họ.
Một vấn đề lớn hiện nay là NATO đang thiếu hụt đạn pháo 155mm, loại đạn được phía Ukraine sử dụng phổ biến trong các cuộc giao tranh, với số lượng lên tới 10.000 viên đạn một ngày.
Trước đó, vào tháng 2/2023, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo Kiev đang sử dụng đạn dược nhanh hơn so với tốc độ sản xuất và cung ứng của các nước phương Tây.