Jesse Kipf, 39 tuổi, đến từ Somerset, Kentucky, Mỹ bị kết án 9 năm tù vì tội đột nhập trái phép vào hệ thống máy tính của chính quyền và làm giả giấy tờ. Anh ta giả chết để cố gắng trốn tránh nghĩa vụ trả tiền cấp dưỡng nuôi con cho vợ.
Carlton Shier, luật sư tại quận phía Đông Kentucky, cho biết rằng Kipf đã truy cập hệ thống máy tính đăng ký chứng tử của tiểu bang Hawaii. Anh ta sử dụng thông tin đăng nhập từ một bác sỹ bệnh viện công và tạo ra một vụ án giả dẫn đến cái chết của chính mình. Kipf cũng hoàn thành các mẫu đơn để được cấp giấy chứng tử giả. Kết quả, trong hệ thống cơ sở dữ liệu của chính phủ, Kipf được đăng ký là đã qua đời.
Jesse Kipf đã giả chết để không còn phải nộp tiền trợ cấp nuôi con hàng tháng.
Anh ta cũng dùng tài khoản của vị bác sỹ kia để truy cập các hệ thống tiểu bang và chính phủ. Nhiều thông tin và tài khoản đã bị Kipf đánh cắp. Sau đó, anh ta cố gắng bán quyền truy cập các tài khoản chính phủ trên chợ đen.
Sau khi bị bắt, Kipf thừa nhận rằng mình đã giả chết để trốn tiền cấp dưỡng nuôi con nhỏ cho vợ cũ. Kipf nhận tội với cả hai cáo buộc trên.
Trong một tuyên bố, luật sư Shier cho biết: "Kế hoạch này là một nỗ lực phá hoại đầy công phu, dựa trên mục tiêu không thể bào chữa là trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Vụ án này là lời nhắc nhở rõ ràng về mức độ nguy hiểm mà tội phạm sử dụng máy tính có thể gây ra và tầm quan trọng của bảo mật trực tuyến đối với tất cả chúng ta.
May mắn thay, thông qua công tác điều tra nhanh chóng, hiệu quả của các đơn vị thực thi pháp luật, vụ án đã khép lại. Đây là lời cảnh báo cho những tên tội phạm mạng khác, rằng bọn chúng sẽ phải đối mặt với hậu quả từ hành vi đáng xấu hổ của mình".
Theo hồ sơ tòa án, Kipf là cựu quân, được đưa đến Iraq trong gần một năm (2007 - 2008). Anh ta ly hôn vào năm 2008. Tòa án yêu cầu Kipf trả hơn 195 nghìn USD (khoảng 4,9 tỷ đồng) bao gồm tiền bồi thường thiệt hại cho hệ thống máy tính và tổng số tiền cấp dưỡng nuôi con còn nợ.
Đạo luật Gian lận Máy tính (CFAA) tại Mỹ được ban hành vào năm 1986 để giải quyết các vấn đề truy cập trái phép vào máy tính cá nhân. Trong những năm qua, luật này đã được sửa đổi nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 2008.