Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá cả đua nhau tăng, doanh nghiệp đau đầu lo lạm phát

(VTC News) -

Năm 2021, ngoài hứng chịu COVID-19, doanh nghiệp còn chống đỡ tình trạng tăng giá hàng loạt và năm 2022, áp lực lạm phát cũng được chuyên gia cảnh báo.

Nhiều chuyên gia chỉ rõ, năm 2021, nhiều mặt hàng tăng giá, thậm chí tăng cao sẽ là dấu hiệu của lạm phát trong năm tới, nếu các cơ quan chức năng, Chính phủ không quyết liệt ngăn chặn sớm. 

Nỗi lo lạm phát 

Chia sẻ với VTC News, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mối lo khi giá cả nhiều sản phẩm tăng cao, khiến họ gặp khó trong nỗ lực phục hồi sau gần 2 năm chống chọi COVID-19.

Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (huyện Mai Sơn, Sơn La) có công suất ép 5.000 tấn mía/ngày. Với diện tích vùng nguyên liệu là 8.000 ha rải rác trên địa bàn tỉnh Sơn La, Hòa Bình, để lượng mía về đều đặn mỗi ngày, đơn vị phải thuê hàng trăm nhân công thu hoạch và hàng chục chuyến xe vận chuyển nguyên liệu về nhà máy.

Tuy nhiên, vào đúng cao điểm của vụ ép, hàng loạt mặt hàng thiết yếu bỗng tăng giá, trong đó "nóng" nhất phải kể đến giá xăng dầu được điều chỉnh tăng nhiều lần kể từ tháng 6 đến nay. Bên cạnh đó, giá vận chuyển, logistisc, giá nhân công cũng tăng khiến cho doanh nghiệp chịu nhiều áp lực về chi phí.

Chi phí nhân công, xăng dầu, logistisc tăng cao khiến ngành sản xuất mía đường cũng gặp khó khăn.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La cho biết: “Để ép ra 1kg đường, chi phí về điện, nước, xăng dầu, logistics, nhân công, thị trường, phân bón chiếm 45%, nguyên liệu chiếm 38%. Chính vì thế, việc tất cả các chi phí tăng cao đã khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Việc tăng giá đường thời gian tới là khó tránh khỏi”.

Cùng với giá logistisc, xăng dầu, nhân công lao động thì giá thuê mặt bằng kinh doanh tại Hà Nội và TP.HCM đắt đỏ cũng là một trong những lý do khiến việc sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bí.

Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc bán hàng chuỗi café Highlands tại khu vực Hà Nội cho biết, Highlands hiện có 150 chuỗi cửa hàng rải đều tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, mức thuê mặt bằng có giá dao động từ 20 - 100 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Dịch bệnh xảy ra, trong khi kinh doanh ế ẩm, thậm chí phải dừng bán hàng trực tiếp, giá thực phẩm tăng cao thì giá thuê mặt bằng không được giảm khiến chuỗi cửa hàng gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi cũng cảm thấy lo lắng khi giá cả nhiều mặt hàng, nhất là nhân công tăng cao, café nguyên liệu, đường cũng rục rịch tăng. Đây là khó khăn hiện hữu trong năm 2022 mà doanh nghiệp phải đối mặt”, ông Dũng bày tỏ.  

Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng lại kêu trời vì giá thép, xi măng đều biến động. Ông Nguyễn Đức Tùng, giám sát công trình của Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC cho biết, xi măng, sắt thép, giá nhân công tăng hàng loạt trong mấy tháng qua khiến cả chủ đầu tư, nhà thầu và khách hàng lo lắng giá thành xây dựng sẽ tăng.

Xây dựng là ngành chịu nhiều ảnh hưởng vì giá nguyên liệu tăng mạnh.

Theo tính toán của ông Tùng, với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60 - 70% (thép, sắt, cát, xi măng, đá…). Như vậy, giá các mặt hàng tăng sẽ khiến mỗi m2 xây dựng tăng 15-20%. Từ đó công trình sẽ "đội" lên từ 10 lên 15%.

"Ví dụ, một căn hộ chung cư dự toán trên giấy tờ bán ra 30 triệu đồng/m2. Khi thép, xi măng cùng tăng giá sẽ tạo ra đợt tăng “kép” có thể đẩy căn hộ chào bán ra thị trường đội lên thành 35 đến 37 triệu đồng/m2", ông Tùng dẫn giải.

Ngoài ra, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng có thể tạo ra những hệ lụy, trong đó có lạm phát. 

Tại “Diễn đàn kinh tế Việt Nam: Phục hồi và phát triển bền vững” tổ chức cuối năm 2021, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất cần lưu ý về bài học từ gói kích cầu đầu tư năm 2008-2009. Do thiếu một cơ chế kiểm soát tốt trong quá trình triển khai chính sách, thiếu sự phối hợp trao đổi giữa khu vực doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp và các cơ quan, chủ thể thực thi chính sách kích cầu nên khi thực hiện hỗ trợ quy mô lớn, dòng tiền không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản, vàng… Hậu quả là lạm phát tăng cao gây bất ổn nền kinh tế vỹ mô và kìm hãm sự phục hồi kinh tế.

Kiềm lạm phát dưới 4% năm 2022 bằng cách nào?

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị Quốc hội cần tập trung tăng cường công tác giám sát thực thi chính sách kích cầu kinh tế sắp tới theo phương châm từ xa từ sớm”, ông Hồng Anh nêu ý kiến.

Theo ông Hồng Anh, mô hình giám sát chính sách “từ xa từ sớm” là mô hình tiên tiến nhất hiện nay về giám sát thực thi chính sách theo phương châm khoa học, toàn diện và xuyên suốt bắt đầu ngay từ khâu xây dựng chính sách và việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện được diễn ra song song với quá trình triển khai chính sách.

Doanh nghiệp đối diện áp lực lạm phát trong năm 2022. (Ảnh minh họa: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam)

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam thông tin, trước thực trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao, Hiệp hội có công văn gửi Bộ Xây dựng kiến nghị điều chỉnh giá thép. “Nếu không có chính sách tháo gỡ kịp thời, chắc chắn giá thành xây dựng công trình không chỉ tăng lên từ 10 đến 15% như hiện tại, mà trong thời gian tới khó tránh khỏi việc tiếp tục tăng”, ông Hiệp nói.

PGS-TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, sản xuất của chúng ta phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Vì thế, biến động giá nguyên vật liệu thế giới tác động rất mạnh tới giá thành sản phẩm sản xuất trong nước và lạm phát của kinh tế Việt Nam.

“Việc thiếu hụt lao động cũng là một trong những áp lực lớn đối với nền kinh tế trong nước, bởi để có lao động làm việc, doanh nghiệp sẽ phải trả lương cao hơn, tăng chi phí đào tạo và tuyển dụng. Kết quả cuối cùng là làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh. Đây cũng là yếu tố gây áp lực lên lạm phát của nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo”, bà Yến cảnh báo

Để kiểm soát lạm phát, bà Yến nêu phương án: “Với mục tiêu lạm phát 4% năm 2022, Chính phủ cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế xã hội trong nước, ưu tiên phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng sau khi khống chế, kiểm soát thành công làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư. Chính phủ cũng cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; bãi bỏ các khoản chi phí không hợp lý để cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát”. 

Đồng tình với quan điểm này, TS kinh tế Lê Đăng Doanh dự báo, giá cả hàng hoá và lạm phát toàn cầu đang "nóng" lên. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2021 ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm, song xu hướng lạm phát toàn cầu (dự báo ở mức 3,2% năm 2021 và 3,3% năm 2022 so với mức 2% năm 2020) đã và đang đặt ra nhiều băn khoăn về áp lực lạm phát đối với Việt Nam trong năm 2022.

“Tôi cho rằng, Nhà nước cần sớm ngăn giá cả tăng cao để không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Nếu lạm phát tăng cao thì các doanh nghiệp sẽ phải chạy theo vòng xoáy vay - nợ - lạm phát", ông Doanh nói.

Trong khi đó, PGS - TS Ngô Trí Long cho rằng, bên cạnh đánh giá tác động của chính sách thì Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp để kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là về áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022 và 2023 do cộng hưởng từ các biện pháp hỗ trợ và tác động của các yếu tố bên ngoài.

Đồng thời phải kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn, sớm trở lại sản xuất kinh doanh. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không nên quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho doanh nghiệp dễ dẫn tới rủi ro cho hệ thống ngân hàng và gia tăng lạm phát.

Cạnh đó là tối ưu hóa, minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; tạo dựng hạ tầng giao thông và quản trị hiệu quả hơn; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.

Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn, cần có chính sách và giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. 

"Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ Chính phủ phải theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để kịp thời phản ứng, có chính sách phù hợp kiểm soát lạm phát”, ông Long nêu ý kiến.

PHẠM DUY

Tin mới