Bitcoin gây bất ngờ khi quay đầu tăng mạnh sau khi thủng mốc 19.000 USD vào ngày 7/9, khiến vốn hóa của Bitcoin bốc hơi hàng chục tỷ USD.
Bitcoin quay đầu tăng giá, vượt mốc 19.000 USD.
Những thống kê gần đây của CoinDesk cho thấy Bitcoin liên tục được giao dịch trong khoảng 18.500 - 20.000 USD. Diễn biến giá Bitcoin này càng khẳng định mối tương quan giữa Bitcoin với biến động kinh tế vĩ mô. Nhiều chuyên gia về tiền ảo dự báo Bitcoin có thể tiếp tục giảm sâu, trước khi lấy lại đà tăng trưởng.
Trên sàn Coindek, lúc 17h ngày 8/9, giá Bitcoin giao dịch ở mức 19.217 USD, tương ứng tăng 2,3%.
Dữ liệu thống kê trong 24 giờ qua cho thấy tiền ảo phổ biến và giá trị nhất thế giới biến động trong khoảng 18.686 - 19.450 USD (giá thấp nhất – cao nhất).
Theo CoinMarketCap, khối lượng giao dịch Bitcoin trong thời gian này vào khoảng 33,6 tỷ USD, vốn hóa thị trường ở mức 368,1 tỷ USD.
Tại sàn Vicuta, giá mua vào Bitcoin giảm còn 451 triệu đồng, trong khi giá bán ra là 474 triệu đồng.
Giá Bitcoin tăng trở lại khiến một loạt tiền ảo vốn hoá lớn bứt phá mạnh. Cụ thể, Etherum tăng 6,8%, Binance Coin tăng 5%, Ripple tăng 3,3%, Solana tăng 5,3%, Polkadot tăng 2%...
Đà tăng của hầu hết tiền ảo vốn hoá lớn khiến tổng vốn hoá toàn thị trường tiền ảo tăng lên mức 975 tỷ USD, tương đương tăng 3,5%.
Dù Bitcoin đã tăng trở lại song vẫn giao dịch dưới ngưỡng 20.000 USD, trong bối cảnh thị trường tiền điện tử kém sôi động, giao dịch ảm đạm. Tiền điện tử lớn nhất thế giới về vốn hóa có vẻ ngày càng khó vượt qua 20.000 USD, bất chấp trước đó Bitcoin từng có đợt hồi phục mạnh mẽ, đạt mốc 25.000 USD.
Theo các chuyên gia về tiền ảo, Bitcoin nói chung và tiền mã hóa nói riêng ngày càng có mối liên quan chặt chẽ đến thị trường chứng khoán. Bitcoin đang chịu ảnh hưởng tiêu cực khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh, do nhà đầu tư lo lắng về ảnh hưởng của chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để kiềm chế lạm phát. Tài sản rủi ro như cổ phiếu và tiền mã hóa đã mất đi sức hút khi lãi suất tăng cao. Tâm lý e ngại rủi ro đẩy giá Bitcoin xuống dưới ngưỡng quan trọng 20.000 USD/coin.
Trước đó, trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên Jackson Hole hôm 26/8, Chủ tịch FED khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sử dụng các công cụ một cách triệt để" để đối phó với lạm phát vẫn đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm. FED đã nâng lãi suất 2,25 điểm phần trăm trong năm nay, nhưng ông Powell khẳng định vẫn chưa thể "dừng hoặc tạm ngừng tăng lãi suất", ngay cả khi việc này có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.
"Ông Powell đang muốn nhấn mạnh rằng kể từ giờ, việc đối phó với lạm phát quan trọng hơn hỗ trợ tăng trưởng", ông Jeffrey Roach, chuyên gia kinh tế trưởng của LPL Financial, bình luận.
Thêm nữa, thị trường tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng đang lúng túng trước thông tin 10.000 Bitcoin được tung ra sau 9 năm "ẩn mình". Cụ thể, ngày 28 và 29/8, các nhà phân tích phát hiện hai lượt chuyển 5.000 đơn vị từ một địa chỉ ví Bitcoin. Số Bitcoin trị giá hơn 200 triệu USD được cho là cất giữ từ năm 2013. Thay vì đưa lên sàn giao dịch, số tiền trên lại được chuyển đến các ví lưu trữ mới.
CoinTelegraph thống kê trong lịch sử Bitcoin chỉ có 6 giao dịch lớn tương tự. Mỗi lần như vậy, thị trường đều biến động mạnh. Điểm chung là giá Bitcoin đều đạt đỉnh ngay trước các giao dịch này, sau đó lao dốc do lượng lớn tiền số bị bán tháo.
Ông Joe DiPasquale, Giám đốc điều hành quỹ phòng hộ tiền mã hóa BitBull Capital, cũng cho rằng Bitcoin sẽ kiểm nghiệm mức đáy ở phạm vi gần 18.000 USD.
"Từ góc độ kỹ thuật, thị giá của Bitcoin vẫn khớp với dự đoán của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tìm cách tích lũy từ đây đến khoảng 15.000 USD”, DiPasquale nhận định.