Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ghép tay từ người cho còn sống - ca phẫu thuật đỉnh cao 'chưa từng có trong y văn' của bác sĩ Việt Nam

(VTC News) -

Ca ghép chi thể được các chuyên gia Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công là ca phẫu thuật lịch sử và cũng là lần đầu tiên trên thế giới.

Bệnh viện Trung ương quân đội 108 mới đây công bố thực hiện thành công ca ghép tay từ người cho sống đầu tiên trên thế giới. Bệnh nhân là Phạm Văn Vương, 31 tuổi được ghép tay từ một người đàn ông 51 tuổi. Hiện anh Vương có thể cầm nắm một số vật thô.

Người cho là một ca bệnh nặng. Anh bị băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách. Dù được cứu chữa nhưng cánh tay của anh trong tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng không cứu vãn được và đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Vì vậy, các bác sĩ thống nhất chỉ định phải cắt cụt chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay. Họ cũng nhận thấy phần chi thể này còn tương đối bình thường và có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng.

Chưa từng có trong y văn

Theo GS.TSKH.TTND Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ca phẫu thuật chi thể đặc biệt (ghép tay từ người cho còn sống) được thực hiện khi trong các sách y văn trên thế giới chưa từng nhắc đến.

Ghép chi thể từ người cho chết não rất khó khăn nhưng ghép từ người cho sống còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, đặc biệt là vấn đề y đức. Bởi không thể “tự nhiên”, một người đang sống bình thường lại hiến tay cho người khác ghép, điều này gần như là “bất khả thi”.

Nhưng trường hợp của bệnh nhân Vương lại đúng như vậy. Các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lấy phần thừa của chi thể bị cắt cụt để ghép cho bệnh nhân. 

"Trong y học lâm sàng chúng ta gặp nhiều trường hợp chi thể bị đứt rời có thể sử dụng được nhưng phải đem bỏ. Từ đó ý tưởng sử dụng phần chi thể còn thừa để ghép cho người khác được ra đời. Thực tế trong y văn, chúng tôi chưa gặp trường hợp đó bao giờ”, GS Hoàng nói.

GS. TSKH. TTND Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người thực hiện ca mổ ghép chi thể chấn động thế giới.

Việc sử dụng chi thể bị cắt cụt để ghép cho các bệnh nhân mở ra hướng mới cho rất nhiều bệnh nhân khác. Những phần chi thể mà lẽ ra bỏ đi giờ đây sẽ được sử dụng có ích.

Có thể do vấn đề tâm linh, văn hóa xã hội, thói quen cũng như quan niệm sống, việc cho nội tạng có thể chấp nhận khá dễ dàng. Nhưng với chi thể lại khác. Nhiều người muốn xương khớp và tất cả các cấu trúc thông thường của cơ thể phải đi theo người đã mất. Vì vậy, nguồn cho hết sức khó khăn và hạn chế. Đây chính là thách thức rất lớn đối với những người bác sĩ.

Vì vậy, theo bác sĩ Hoàng, thành công trên mở ra nguồn cho chi thể mới với chuyên gia lâm sàng, đặc biệt trong việc có thể sử dụng được những phần chi thể cho bệnh nhân khác.

Yêu cầu tuyệt đối về “cho-nhận”

Theo GS Hoàng, để thực hiện ca ghép lịch sử này, cả người cho và người nhận đều phải đảm bảo nguyên tắc, đó là cùng màu da, kích thước chi thể phải tương đồng với nhau và cùng giới tính. “Khác màu da sẽ rất phản cảm, ngoài ra cũng không thể dùng 1 bàn tay của nam giới ghép cho nữ giới”.

Một yếu tố quan trọng khác trong lĩnh vực ghép chi đó là tương đồng miễn dịch và nhóm máu.

Về nhóm máu các bác sĩ sẽ sử dụng cách thức truyền máu thông thường của nhóm máu A,B,O. Trường hợp bệnh nhân Vương, anh này có nhóm máu AB, người cho là nhóm máu B. Về nguyên tắc phải có tương đồng về nhóm máu mới có thể can thiệp được.

"Cánh tay mới hoạt động trong cơ thể mới".

Tiếp theo là vấn đề hòa hợp miễn dịch, trong đó yếu tố kháng nguyên, kháng thể của bạch cầu phải đảm bảo. Trường hợp chúng tôi ghép độ hòa hợp về HLA lên tới 3/6, ngoài ra cũng phải làm một số xét nghiệm cần thiết, nếu cho ra kết quả âm tính mới đạt yêu cầu.

Các yếu tố khác có thể kể đến như bệnh nhân không được trong tình trạng ung thư, mắc các bệnh bạch cầu, bị HIV, viêm gan C, các bệnh truyền nhiễm đặc biệt hay các bệnh nhân đang trong giai đoạn nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn kháng thuốc mạnh… cũng không thể ghép được.

“Khi quyết định ghép chi thể 2 bệnh nhân phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, từ vấn đề hòa hợp miễn dịch như thế nào, nhóm máu, tuổi tác, màu da, giới tính. Đặc biệt, người cho không được có các bệnh lý mãn tính”, GS Hoàng nhấn mạnh.

Nhiều rủi ro

Để thực hiện ca ghép này, GS Hoàng cùng các cộng sự trải qua rất nhiều lần trao đổi về chuyên môn rất căng thẳng để nhìn nhận thẳng vấn đề. Nhóm phải lường trước được tất cả những rủi ro có thể xảy ra. Đặc biệt đây lại là ca ghép lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.

“Tôi tự thấy mình may mắn là được tham gia vào ca phẫu thuật ghép chi thể từ năm 2008 tại Đức. Đó là ca ghép 2 cánh tay đồng loại đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho chết não, hòa hợp miễn dịch rất tốt. Nhưng so sánh về mặt thách thức thì ca ghép chúng tôi tham gia bên Đức có lẽ thuận lợi hơn ca chúng ta vừa thực hiện thành công rất nhiều lần”, GS Hoàng nói.

Theo GS Hoàng, ca ghép năm xưa ở Đức được ghép phần cánh tay cả 2 bên nên cấu trúc xương chỉ có 1, các khối cơ là 4, mạch máu thần kinh rất to ở vị trí có thể thực hiện được dễ dàng.

Với ca tại Việt Nam lại hoàn toàn khác, bởi người cho trong tình trạng đã điều trị tại bệnh viện được 18 ngày, đã được can thiệp phẫu thuật 2 lần, các vết thương rộng, hoại tử nhiều, không còn khả năng cứu sống chi thể. Do đặc điểm các dây thần kinh vẫn còn co kéo, các khối cơ bị hoại tử nên chi ghép lâm tình trạng bội nhiễm, tạo ra mùi khó chịu, trong phòng không ai nằm cùng được.

Lúc này, để sử dụng phần chi thể này ghép cho người khác nguy cơ lớn nhất là nhiễm khuẩn. Nếu không đánh giá, lường trước hết hậu quả, dễ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn từ người cho sang người nhận.

Khó khăn nhất lúc đó là nhận định xem chi thể đó còn sử dụng được hay không. Để đi đến thành công yêu cầu sự tham gia của rất nhiều khoa, phòng, đặc biệt là công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhiều cuộc hội chẩn sau đó được thảo luận thẳng thắn về chuyên môn. Câu hỏi đặt ra là “Liệu có ghép được hay không? Tình trạng nhiễm trùng có xảy ra hay không?”

“Các chi thể có độ thải ghép rất mạnh, mạnh hơn nhiều so với phổi, thận, tim hoặc gan… vì vậy mà bệnh nhân phải được sử dụng những loại thuốc chống thải ghép rất mạnh. Mặt khác, khi cơ thể bị thải ghép mạnh như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Nếu đánh giá, điều trị và dự phòng không tốt sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân”, GS Hoàng Nói.

Theo GS Hoàng, với ca bệnh ghép chi thể tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa qua, các bác sĩ phải họp và đánh giá nhiều lần. Nếu qua kiểm tra cảm thấy không đủ yêu cầu về an toàn thì kíp mổ cũng xin dừng để bảo đảm sức khỏe cho người bệnh.

Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kiểm tra sức khỏe bệnh nhân V. sau phẫu thuật.

Lịch sử được viết

Theo GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bước vào ca mổ, do Việt Nam chưa thực hiện việc ghép chi thể bao giờ nên kinh nghiệm chưa có. Kinh nghiệm tích lũy từ nước bạn cũng trải qua được vài chục năm. Vì vậy, ca mổ thực sự là thách thức đối với tất cả các bác sĩ.

Hơn nữa ca ghép lần nãy cũng có phần đặc biệt. Trước bệnh nhân Vương cũng đến bệnh viện một lần để chờ ghép. Nhưng tới phút cuối gia đình người hiến chi (đã chết não) cũng không đồng ý. Vì vậy, anhphải quay lại lần thứ 2.

“Đây cũng là thách thức của chúng tôi, bởi nếu tiếp tục không ghép được nữa, bệnh nhân sẽ rất thất vọng, làm họ mất đi niềm tin. Do vậy, toàn bộ quá trình từ khi xác định có thể ghép chi thể cho đến khi phẫu thuật xong đối với chúng tôi đều rất căng thẳng”, GS Hoàng chia sẻ.

GS Hoàng còn nhớ, ngày ghép tay cho bệnh nhân lại đúng vào ngày nghỉ (chủ nhật, 22/1), bệnh viện không làm việc. Mà trước khi ghép bệnh nhân cần được xét nghiệm lại toàn bộ miễn dịch. Vì vậy, một kip bác sĩ đặc biệt cùng bệnh nhân sang Bệnh viện Quân Y để thực hiện.

8 tiếng phẫu thuật căng thẳng, may mắn, quá trình mổ không gặp không ít khó khăn. Tuy vị trí ghép khó, có tới 43 cơ, 8 mạch máu lớn và nhiều dân thần kinh phức tạp nhưng nhờ sự nỗ lực miệt mài của các các y bác sỹ trong kíp mổ, và do đã lường trước được mọi tình huống, nên mọi khó khăn đều được giải quyết.

Cuộc đời mới "hồi sinh" sau ca phẫu thuật lịch sử.

Kíp mổ chia làm hai. Một ekip sẽ chuẩn bị chi để ghép, cắt lọc các phần hoại tử, rửa sạch, bộc lộ, toàn bộ gân, cơ. Ekip khác các bác sĩ sẽ thao tác trên phần tay bị cụt, phân tích sẵn từng cấu trúc để nối ghép cho bệnh nhân.

Sau 8 tiếng, ca phẫu thuật thành công. Tất cả các cấu trúc giải phẫu phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay bên lành. Ngay sau mổ, bệnh nhân có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón tay của bàn tay ghép.

Đến nay, chỉ hơn 1 tháng sau ghép, bệnh nhân có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số các đồ vật thô. Hỗ trợ giúp đỡ bệnh nhân thêm niềm tin vào cuộc sống cũng là hạnh phúc lớn đối với những người bác sĩ như chúng tôi”,

Tỉnh dậy sau ca mổ dài, anh Vương cho biết, dù phải tập luyện vật lý trị liệu thêm từ 6 tháng đến một năm và phải dùng thuốc chống thải ghép cả đời nhưng anh vẫn rất vui mừng.

“4 năm qua tôi sống trong sự tự ti, lo nghĩ. Giờ đây, khi có được bàn tay mới, tôi hạnh phúc không nói nên lời. Chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ lại có được đôi tay lành lặn như những người khác. Giờ đây, tôi sẽ cố gắng lao động hơn nữa để chăm lo cho vợ con, gia đình. Cảm ơn người hiến tặng tay cho tôi và cảm ơn các bác sĩ đã cho tôi một cuộc đời mới”, anh Vương chia sẻ.

Video: Ca ghép chi thể đầu tiên từ người cho sống: 'Sự trưởng thành của nền y học Việt Nam'

 

Phạm Quý - Hữu Dánh

Tin mới