Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ghế trống còn nhiều, vì sao giá vé máy bay dịp Tết vẫn cao ngất?

(VTC News) -

Ghế trống còn nhiều nhưng hầu hết giá vé máy bay dịp Tết vẫn đắt đỏ, từ 5 - 10 triệu đồng cho vé khứ hồi hạng phổ thông, 16 - 19 triệu đồng cho hạng thương gia.

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 kéo dài 7 ngày, từ 8/2 đến hết ngày 14/2/2024 (29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Khảo sát của VTC News các chặng bay cho thấy, đến thời điểm này lượng ghế trống còn nhiều nhưng hầu hết giá vé khứ hồi vẫn đắt đỏ, dao động từ gần 5-10 triệu đồng cho hạng phổ thông và 16 - 19 triệu cho hạng thương gia.

Giá vé máy bay vẫn cao ngất

Trên các trang web bán vé trực tuyến, giá vé máy bay khứ hồi Tết Nguyên đán 2024 trên một số chặng bay được bán với mức 4,5 – 10 triệu đồng/vé tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí).

Cụ thể, giá vé khứ hồi chặng đi ngày 9/2/2024 (chiều 30 Tết) và chặng về ngày 16/2/2024 (mùng 7 Tết) từ TP.HCM - Hà Nội (đã bao gồm thuế, phí) của hãng hàng không VietJet Air có giá 5.538.000 đồng; Vietnam Airlines: 5.987.000 đồng;  Bamboo Airways: 7.203.000; Vietravel Airlines: 6.130.640 đồng.

Cục hàng không cho biết, giá vé máy bay tăng cao do lượng khách đi lại dịp Tết chỉ đông vào một chiều.

Giá vé khứ hồi chặng TP.HCM – Vinh (Nghệ An) của VietJet Air là 5.632.800 đồng; Bamboo Airways có giá 7.154.000 đồng và Vietnam Airlines: 9.928.000 đồng.

Còn chặng TP.HCM – Hải Phòng của hãng VietJet Air là 6.043.200 đồng; Vietravel Airlines: 3.832.000 đồng; Bamboo Airways: 6.267.000 đồng và Vietnam Airlines: 4.010.000 đồng.

Chặng bay Hà Nội - Nha Trang ngày 11/2 (mùng 2 Tết), ngày về 17/2 (mùng 8 Tết) của VietJet Air có giá 5.877.000 đồng; Bamboo Airways: 6.688.000 đồng và Vietnam Airlines: 7.130.000  đồng.

Cũng đi ngày 11/2 (mùng 2 Tết), ngày về 17/2 (mùng 8 Tết) chặng bay Hà Nội - Đà Lạt của VietJet Air có giá 4.613.400 đồng; Bamboo Airways: 7.154.000 đồng. Cá biệt, hãng hàng không Vietnam Airlines giá vé cao nhất lên tới 9.956.000 đồng.

Chặng bay Hà Nội – Phú Quốc đi ngày 11/2/2024 (mùng 2 Tết) và chặng về ngày 17/2/2024 (mùng 8 Tết) của VietJet Air có giá 5.693.400 đồng; Vietnam Airlines: 8.318.000 đồng; Vietravel Airlines giá vé lên đến 11.070.440 đồng.

Trong khi đó, chặng Hà Nội – Đà Nẵng của VietJet Air là 3.310.800 đồng; Vietravel Airlines: 3.223.280 đồng; Bamboo Airways: 5.102.000 đồng và Vietnam Airlines: 4.975.000 đồng.

Giá vé máy bay cao ngất ngưởng khiến nhiều công nhân, người lao động phải đắn đo khi đặt vé về quê ăn Tết.

Chị Nguyễn Thị Phương (quê Thanh Hoá) và chồng là Nguyễn Đức Phú (quê Nam Định) đang làm công nhân kỹ thuật trong một nhà máy sản xuất tôn ở Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (Dĩ An, Bình Dương) cho biết, từ đầu năm, anh chị đã chủ động chi tiêu tiết kiện để gom góp kinh phí đưa cháu về quê thăm ông bà nội, ngoại sau hơn 2 năm chưa gặp mặt.

Tuy nhiên, khi khảo sát giá vé máy bay chặng TP.HCM – Hà Nội có giá từ hơn 5 triệu đến 10 triệu/người/vé khứ hồi, mong muốn về quê của anh chị như bị dập tắt.

“Nếu cả 3 người cùng đi, phải bỏ ra ít nhất là 17 triệu đồng, cộng với chi phí di chuyển từ Bình Dương lên sân bay Tân Sơn Nhất, rồi từ sân bay Nội Bài về Nam Định lên đến cả triệu đồng. Bên cạnh đó, về thăm gia đình chẳng lẽ về tay không, nên có lẽ năm nay chúng tôi phải lỡ hẹn về quê với gia đình”, anh Phú than thở.

Không chỉ gia đình anh Phú, hàng chục nghìn công nhân, người lao động miền Bắc, miền Trung vào Nam lập nghiệp đều rơi vào hoàn cảnh tương tự khi vé máy bay về các tỉnh miền Trung, miền Bắc tăng giá mạnh trong những ngày cao điểm.

Lý giải vì sao lượng vé còn nhiều nhưng giá vẫn cao ngất trong thời gian dài, các hãng hàng không cho biết, trong cơ cấu giá, nhiên liệu thường chiếm tới 25-28% chi phí khai thác.

Theo thống kê của các hãng bay, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 (thời điểm khung giá vé máy bay hiện tại được áp dụng) đã tăng tới 58,6%, từ mức giá 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023.

“Năm 2023, giá nhiên liệu bay được xây dựng khoảng 112 USD/thùng trên cơ sở dự báo giá dầu thô Brent, nhưng rủi ro giá nhiên liệu diễn biến rất khó lường do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, thị trường năng lượng và địa chính trị thế giới.

Giá nhiên liệu bay chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng có thể tác động chi phí nhiên liệu năm nay tăng/giảm tương ứng khoảng 224 tỷ đồng”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Ngoài giá nhiên liệu, yếu tố lãi suất, tỷ giá và nhiều yếu tố đầu vào khác đều đã ở mặt bằng cao hơn và bất lợi hơn đáng kể cho các hãng bay Việt Nam so với giai đoạn trước COVID-19.

Những yếu tố bất lợi này chắc chắn sẽ chất thêm gánh nặng tài chính cho các hãng bay trong năm 2023, đồng thời cũng làm hẹp thêm dư địa để điều chỉnh giảm giá vé các đường bay nội địa.

Không để thiếu vé phục vụ Tết Nguyên đán

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, năm nay, hãng mở bán vé máy bay Tết khá sớm, từ trung tuần tháng 9 với khoảng 3 triệu vé máy bay Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

“Trong tổng số 3 triệu vé máy bay Tết cung ứng trên toàn mạng bay nội địa, quốc tế với khoảng 15.000 chuyến bay, trong đó có 2 triệu vé nội địa khoảng 10.300 chuyến bay, 1 triệu vé quốc tế với khoảng 4.650 chuyến bay", đại diện Vietnam Airlines nói.

Các hãng hàng không đảm bảo lượng vé phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết. (Ảnh minh hoạ).

Tương tự, Vietjet cũng cung ứng khoảng hơn 2,5 triệu vé máy bay dịp Tết trên các đường bay TP.HCM đi Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Lạt, Phú Yên, Nha Trang, Phú Quốc…

Còn các hãng Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng cung cấp khoảng 700.000 đến 1 triệu vé trên toàn mạng bay.

Trả lời VTC News, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm nay các hãng mở bán vé Tết từ khá sớm.

“Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không phải báo cáo về nhu cầu thị trường, kế hoạch khai thác, nhu cầu sử dụng slot (giờ cất, hạ cánh) tại các cảng hàng không sân bay trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024”, ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng bay báo cáo kế hoạch tăng tải cung ứng trên các đường bay cụ thể trong giai đoạn cao điểm Tết. Các đơn vị so sánh, đánh giá với cùng kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và kiến nghị liên quan đến việc tăng tải cung ứng trên các đường bay trong giai đoạn này.

“Nhu cầu đi lại của người dân giai đoạn Tết thường tăng cao, dồn vào ngày bay và khung giờ đẹp, dẫn đến khan vé và giá vé cũng cao hơn. Vận chuyển hàng không trong giai đoạn Tết luôn có tính đặc thù và chỉ đông khách một chiều, chiều còn lại ít hoặc thậm chí không có khách”, ông Thắng nhận định.

Ông Thắng cho biết, giá vé các hãng đưa ra hiện vẫn nằm trong khung giá trần quy định. Khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, chắc chắn các hãng sẽ tăng chuyến để khai thác tối đa lượng khách.

Tuy nhiên, chưa thể khẳng định giá cao như vậy có thể tồn tại được trong cả giai đoạn Tết, ở tất cả các chặng bay hay chỉ ở một thời điểm. Khi giá vé cao, không bán được thì các hãng bay phải tự điều chỉnh giá. 

“Cục hàng không cũng theo dõi sát sao và yêu cầu các hãng bay cung cấp số liệu khách hàng booking. Khi lượng khách đạt 70% thì Cục yêu cầu các hãng nghiên cứu đề xuất tăng chuyến để khai thác và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Khi chuyến tăng thêm, nguồn cung tăng thì giá vé cũng sẽ phải điều chỉnh theo thị trường. Cục không thể yêu cầu các hãng đưa ra một nguồn cung lớn kinh khủng, đến khi không thực hiện được thì rất lãng phí”, ông Thắng khẳng định.

PHẠM DUY

Tin mới