Sự biến mất của Datuk Mazlan Idris gây xôn xao giới truyền thông trong nhiều tuần, cho đến ngày 18 phần thi thể của chính trị gia xấu số được phát hiện.
Sự thật gây sốc dần được tiết lộ: Nghị sĩ 49 tuổi đã trải qua một “nghi lễ tử thần” ghê rợn.
Hiện trường phát hiện nạn nhân. (Ảnh: Rojak Daily)
Mona Fandey
Sinh ngày 1/1/1956 tại Kangar, Perlis, Maznah Ismail bắt đầu ca hát và nhảy múa khi còn rất trẻ.
Luôn mơ ước trở thành ngôi sao nhạc pop, Maznah kết hôn với Mohamad Nor Affandi Abdul Rahman, người tự nhận là người hâm mộ lớn nhất của bà ta. Ông ta cũng hứa sẽ tài trợ cho Ismail trở thành ngôi sao nhạc pop lớn nhất của Malaysia.
Maznah lấy nghệ danh "Mona Fandey", được cho là lấy cảm hứng từ biệt danh của chồng.
Khởi đầu Mona Fandey là ca sĩ.
Cặp đôi cùng nhau làm việc chăm chỉ để khởi động sự nghiệp nhạc pop của Mona. Họ sản xuất và tung ra một album phòng thu có tựa đề "Diana" và thậm chí đã có được một số hợp đồng truyền hình cho Mona.
Tuy nhiên, sau vài năm, họ nhận ra sự nghiệp nhạc pop của bà ta sẽ không bao giờ cất cánh, vì vậy Mona quyết định theo đuổi con đường sinh lời hơn: Trở thành phù thủy.
Ngay sau khi "nhảy việc", cả Mona và Nor Affandi đều nhận ra mình đào trúng mỏ vàng. Bà ta bắt đầu cung cấp dịch vụ mê tín cho những khách hàng thượng lưu, nổi tiếng.
Mona còn tuyên bố một số khách hàng của mình là các chính trị gia cấp cao.
Các khách hàng của Mona thường sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn và quà cáp lớn để đổi lấy dịch vụ của cặp vợ chồng này. Cặp đôi mau chóng mua được nhà lầu, xe hơi và bắt đầu cuộc sống thượng lưu.
“Nghi lễ” chết người
Cảnh sát khám nhà của Mona.
Năm 1993, Mazlan Idris, bấy giờ là một nghị sĩ và một chính trị gia triển vọng. Vợ chồng Mona hứa hẹn có thể giúp ông trở nên “bất khả chiến bại”.
Đổi lại, Mazlan đồng ý trả cho Mona và chồng 2,5 triệu ringgit Malaysia (RM - tương đương 13,7 tỷ VNĐ). Ông được cho là đã trả trước 500.000 RM và dùng 10 chứng thư sở hữu đất để đảm bảo cho khoản thanh toán còn lại.
Nhận tiền xong, Mona sắp xếp gặp Mazlan tại nhà để làm nghi lễ “thanh tẩy”. Với sự trợ giúp của trợ lý Juraimi, cặp vợ chồng cho Mazlan nằm xuống sàn, nhắm mắt và chờ “tiền từ trên trời rơi xuống”, trong khi Mona đặt hoa lên người ông.
Nhưng rồi Juraimi dùng rìu chặt đầu Mazlan.
Chưa hết, thi thể ông bị phân làm 18 phần, sau đó chôn dưới hố bê tông sâu gần 2 mét và đổ đầy xi măng lên, tại một ngôi nhà đang xây dở đứng tên chính ông ở Pahang. Một số báo cáo còn nói rằng Mazlan bị “lột một phần da”.
Nơi phát hiện thi thể chính trị gia.
Theo các cuộc điều tra, Mona và Affandi đã lên kế hoạch giết Mazlan trả thù vì một thỏa thuận sở hữu đất không suôn sẻ. Cảnh sát cũng tìm thấy bàn thờ, tượng thần, dao, rìu và một khẩu súng của Mazlan tại hiện trường.
Sau vụ án, vợ chồng Mona làm như không có gì xảy ra, lấy tiền của nạn nhân mua sắm những thứ đồ xa xỉ. Mona thậm chí còn đi nâng mặt.
Hẳn nhiên, việc rút một số tiền lớn từ tài khoản của Mazlan trong khi ông mất tích đã đánh động cảnh sát. Cơ quan chức năng bắt được trợ lý của Mona trong một vụ án khác và tên này khai ra âm mưu kinh hoàng một thời gian sau.
Mona và các nghi phạm bị tuyên án tử hình.
Mona, Affandi, Juraimi và hai người khác bị bắt ở Bentong và Kuala Lumpur. Các nghi phạm tuyên bố vô tội tại một phiên tòa có 70 nhân chứng và 295 vật chứng được triệu tập và đệ trình. Tòa tuyên hai vợ chồng Mona và trợ lý án tử hình, nhóm kháng cáo nhưng không thành công.
Vụ án gây ám ảnh không chỉ bởi những tình tiết dã man của nó.
Trong suốt phiên tòa, Mona được ghi nhận liên tục có những hành động kỳ lạ. Thay vì che mặt và tránh ống kính máy ảnh, tránh nhìn vào mắt những người xung quanh như những tên tội phạm bình thường, bà ta luôn cười và tạo dáng, xuất hiện trong trang phục kiểu cách và phô trương.
Sau khi nghe tuyên bản án treo cổ, bà ta lại cười và nói “cảm ơn Malaysia”.
“Tôi sẽ không bao giờ chết”, tên tội phạm nói trước khi bị thi hành án.