Giới trẻ ngày nay rất giỏi giang, năng động. Đặc biệt, nếu so với mặt bằng chung các thế hệ trước thì họ được được trang bị tốt về kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Xem giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Z (thường gọi là Gen Z) thể hiện mình trong vai trò diễn giả, có thể tự hào và yên tâm về khả năng hòa nhập, bắt kịp của thanh niên Việt Nam trong dòng chảy thế giới thời đại toàn cầu hóa.
Thế nhưng, một chi tiết nhỏ cực kỳ phổ biến lại cho thấy sự bất ổn của các bạn trẻ bây giờ, đó là cách xưng hô “toàn cầu hóa theo kiểu sống sượng” có thể khiến cho rất nhiều người đối diện cảm thấy chói tai, phản cảm, thậm chí tức giận: Dùng từ “mọi người” để xưng hô khi giao tiếp với số đông.
“Chào mọi người”, “Xin mời mọi người”, “Cảm ơn mọi người nha”, “Mọi người ơi’… dường như là câu cửa miệng của Gen Z, dù trong số “mọi người” ấy có rất nhiều nhân vật hơn họ nhiều tuổi, thuộc thế hệ cha chú, hoặc là bề trên về vai vế.
Điều đáng ngạc nhiên là, dù ở tuổi thành niên, đã trải qua những năm tháng được giáo dục theo truyền thống “tiên học lễ, hậu học văn”, những người trẻ này không nhận ra cách xưng hô như vậy là rất vô lễ, hoặc nói thẳng thừng là rất hỗn.
“Chào mọi người”, “Xin mời mọi người”, “Cảm ơn mọi người nha”, “Mọi người ơi’… dường như là câu cửa miệng của Gen Z.
Trong khi đó, chỉ cần nhìn ra xung quanh, trong đời sống thường nhật cũng như các sự kiện, các buổi gặp mặt, họ sẽ thấy ngay cách chào hỏi, xưng hô đúng chuẩn của người Việt Nam: “Chào các ông bà, cô bác, anh chị em” hoặc “Thưa các bác, các cô chú, anh chị em”… Cách nói này thể hiện sự trân trọng, lịch sự đúng phép tắc, không “cá mè một lứa” - điều tối kỵ trong văn hóa giao tiếp của người Việt.
Có lẽ giới trẻ coi trọng sự giản tiện nên đã bê nguyên kiểu chào trong tiếng Anh - “Hello every body”; nhưng ngay cả khi cần nói ngắn gọn nhất, lẽ ra họ có thể dùng “Kính thưa quý vị” thay cho câu “Mọi người ơi” bộc lộ nét trẻ con, hời hợt, thiếu trưởng thành.
Xưng hô kiểu “vơ một cục” như thế, nếu không bị coi là hỗn láo thì cũng là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về lễ nghĩa, giao tiếp. Dù là thời nào thì về nguyên tắc, trong một cuộc nói chuyện, bạn phải xác định được đối tượng đang lắng nghe mình là ai, bao nhiêu tuổi, vai vế thế nào… để có cách xưng hô thích hợp chứ không thể tùy tiện “chào mọi người” và xưng “mình” một cách khiếm nhã.
Lời chào, cách xưng hô không chỉ thể hiện thái độ tôn trọng hay xem thường với người nghe, mà còn bộc lộ sự lịch lãm, trưởng thành, phông nền văn hóa của người nói. Nếu như ngay từ câu chào, từ cách xưng hô đã có vấn đề, khiến cho người nghe bị “dội” thì làm sao tạo ra sự kết nối trong cuộc trò chuyện, chưa nói đến chuyện truyền cảm hứng hay dẫn dắt, thuyết phục người ta làm theo mình.
Gen Z hòa nhập với thế giới rất tốt. Vậy hãy thể hiện khả năng hòa nhập với các thế hệ trước, với truyền thống văn hóa của chính đất nước mình, bắt đầu từ một thứ nhỏ nhất nhưng cũng là yếu tố quan trọng đầu tiên: Học cách chào, cách xưng hô như một người Việt biết lễ nghĩa. Đó là điều cần có của thế hệ làm chủ đất nước, làm chủ tương lai.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ quan điểm ở box bình luận bên dưới.