Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

GDP Việt Nam 2020 tăng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới

(VTC News) -

Năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 2,91%, bất chấp dịch COVID-19 gây ra cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu.

Thuộc nhóm cao nhất thế giới

Số liệu được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố trong buổi họp báo chiều 27/12 tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá đây là mức tăng GDP thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, theo bà Hương, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam.

"Mức tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới", bà Hương nói và cho biết điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội".

GDP Việt Nam trong 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới. (Ảnh: MOIT)

Theo bà Hương, trong năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, còn khu vực dịch vụ tăng 2,34%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 3,36%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,92%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,51%. Ngược lại, khai khoáng giảm 5,62% do sản lượng khai thác dầu thô giảm 12,6% và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%.

Ngành xây dựng có phần tích cực hơn với mức tăng 6,76%, cao hơn tốc độ tăng của các năm 2011, 2012 và năm 2013 trong giai đoạn 10 năm gần nhất.

Khu vực dịch vụ trong năm 2020 đạt mức tăng thấp nhất thập kỷ. Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống trong năm nay giảm 14,68%, ngành vận tải, kho bãi giảm 1,88%.

Những ngành vẫn duy trì tăng trưởng như bán buôn và bán lẻ tăng 5,53%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,87%.

Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận mức tăng khá của hoạt động xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch năm nay ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%, còn nhập khẩu 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm xuất siêu kể từ năm 2016.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 117,9 triệu đồng mỗi lao động, tương đương 5.081 USD và tăng 290 USD so với năm 2019.

Bình quân cả năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,23% so với năm 2019. Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, bình quân năm 2020 tăng hơn 28% so với năm 2019. Chỉ số giá đôla Mỹ bình quân năm 2020 giảm 0,02%.

Đối mặt nhiều khó khăn

Tổng cục Thống kê nhận định, kinh tế xã hội nước ta tới đây còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới.

Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.

Tiến trình tái cơ cấu chậm làm cho chất lượng tăng trưởng thấp. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng nhưng chưa bảo đảm chất lượng và thiếu tính bền vững. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao dẫn đến năng suất lao động thấp làm cho hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế bị hạn chế.

Theo người đứng đầu Tổng cục Thống kê, muốn vượt qua thách thức cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Trước hết, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đồng thời nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đúng và thực thi phương châm: “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam. Nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào.

Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chủ động phòng ngừa và hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước. Tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.

Hòa Bình

Tin mới