Theo ước tính trung vị trong cuộc khảo sát các nhà kinh tế của Bloomberg, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 của Trung Quốc hiện được dự báo sẽ tăng 4,8%. Con số này cao hơn so với dự báo 4,6% trong cuộc thăm dò tháng trước và tiến gần hơn một chút so với mục tiêu của chính phủ là khoảng 5%.
Dự báo lạm phát thấp hơn so với cuộc khảo sát vào tháng 3, cho thấy chi tiêu của hộ gia đình vẫn yếu sau cú sốc bất động sản. Lạm phát giá tiêu dùng hiện được dự báo ở mức trung bình 0,6% vào năm 2024, giảm so với mức 0,8%. Giá cả khu vực công nghiệp dự kiến giảm trung bình 0,6%, gấp đôi dự báo của tháng 3.
Nền kinh tế Trung Quốc đã có khởi đầu mạnh mẽ bất ngờ trong năm nay, được thúc đẩy bởi nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa sản xuất của nước này và nỗ lực phát triển công nghệ tiên tiến của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, phần lớn đà tăng này diễn ra vào tháng 1 và tháng 2. Sự tiêu dùng giảm tốc vào tháng 3 cùng với sự suy thoái của thị trường nhà đất ngày càng trầm trọng, cho thấy những thách thức trong phần còn lại của năm 2024 có thể cần thêm các biện pháp kích thích để giải quyết.
“Bất động sản và các lĩnh vực thượng nguồn và hạ nguồn đang bị thu hẹp về mọi mặt, liên tục làm giảm kỳ vọng của xã hội cũng như nhu cầu tổng thể”, Nie Wen, nhà phân tích vĩ mô trưởng tại Tập đoàn tín thác Hwabao, cho biết. "Cần thiết có đầu tư của chính phủ để ổn định hoặc thúc đẩy nhu cầu".
Các nhà kinh tế cho rằng ngăn chặn sự suy thoái của thị trường bất động sản là nhiệm vụ hàng đầu đối với Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)
Theo khảo sát, 9 trong số 15 nhà kinh tế cho rằng suy thoái thị trường bất động sản là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay, trong khi 4 nhà kinh tế khác bày tỏ lo ngại về lạm phát thấp và tiêu dùng nội địa yếu.
Cũng có sự chia rẽ tương tự về cách Bắc Kinh nên phản ứng, với việc ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp thúc đẩy đầu tư bất động sản, tiếp theo là đẩy nhanh chi tiêu công.
Trong khi đó, chính quyền địa phương nói riêng đã cắt giảm chi tiêu vì nhiều người đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ. Sau nhiều năm vay mượn ngoại bảng tràn lan, giờ đây họ đang bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm thu nhập từ thuế và bán đất.
Bắc Kinh đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu của chính phủ trung ương để bù đắp. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu chính phủ chậm hơn dự kiến, một phần do các cơ quan chức năng vẫn đang tìm cách đầu tư số tiền huy động được vào năm ngoái, trong bối cảnh thiếu các dự án đủ tiêu chuẩn.
Giới chức cho biết doanh số bán trái phiếu có thể tăng lên trong những tháng tới, mở đường cho việc thúc đẩy tài khóa.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, cho biết hôm 23/4 rằng chính quyền đã hoàn thành việc sàng lọc các dự án đòi hỏi tổng vốn đầu tư là 5.900 tỷ nhân dân tệ (814 tỷ USD) đủ điều kiện nhận tài trợ trái phiếu địa phương đặc biệt. Ủy ban gọi đây là "nền tảng vững chắc" để sử dụng 3.900 tỷ nhân dân tệ (538 tỷ USD) trong số các trái phiếu dự kiến được bán trong năm nay.
24 ủy viên cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ họp vào cuối tháng này tại cuộc họp Bộ Chính trị, được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ để tìm manh mối về việc chính sách kinh tế có thể thay đổi như thế nào trong những tháng tới.