Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore sáng nay (14/7) thông báo GDP nước này giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái và 41,2% so với quý I. Đây là mức giảm kỷ lục, mạnh hơn dự báo của các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg (35,9%).
Hồi quý I, GDP nước này giảm 4,7% so với quý trước đó và 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, GDP Singapore đã giảm 2 quý liên tiếp, rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật.
Mức giảm mạnh cho thấy kinh tế Singapore đang chịu sức ép từ mọi phía vì đại dịch. Thương mại toàn cầu lao dốc khiến ngành sản xuất phụ thuộc xuất khẩu tại đây điêu đứng. Trong khi đó, các hãng bán lẻ trong nước ghi nhận mức giảm doanh số kỷ lục.
Mức giảm chủ yếu do nhu cầu bên ngoài yếu, cũng như lệnh phong tỏa áp dụng từ ngày 7/4 đến 1/6 nhằm ngăn đại dịch lây lan, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore giải thích. Các số liệu khác về quốc đảo này cũng lao dốc. Sản xuất giảm 23,1% so với quý trước, xây dựng giảm 95,6% và dịch vụ giảm 37,7%.
Chính phủ Singapore trước đó dự báo nền kinh tế này tăng trưởng âm 7-4% năm nay. Họ cũng đã cam kết tung gói kích thích 93 tỷ đôla Singapore (67 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó.
Vishnu Varathan – Giám đốc Kinh tế và Chiến lược tại Mizuho Bank không loại trừ việc Singapore tung thêm kích thích, dù "4 gói kích thích tài khóa trước cần thời gian để phát huy hiệu quả".
Trước Singapore, nhiều nền kinh tế lớn khác như Đức, Nhật Bản, Mỹ cũng đã rơi vào suy thoái. Hàng loạt quốc gia khác tại châu Á cũng dự báo tăng trưởng âm năm nay do đại dịch. Thái Lan ước tính GDP giảm 8,1% - tệ nhất khu vực. Ấn Độ và Indonesia đang đối mặt với số ca nhiễm tăng vọt, càng gây sức ép lên kinh tế. Dù vậy, hoạt động sản xuất tại châu Á đã tăng trở lại từ cuối quý II, khi nhiều chính phủ cho phép kinh tế mở cửa trở lại.