Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gặp người đón dòng dầu khí đầu tiên từ lòng biển

(VTC News) -

Hơn 34 năm trước, một sự kiện cực kỳ quan trọng đối với ngành Dầu khí Việt Nam đã diễn ra...

Đó là vào lúc 9h30 ngày 26/6/1986, tại giàn khoan MSP-1, Liên doanh Vietsovpetro đã tìm thấy dòng dầu thương mại ở mỏ Bạch Hổ. Người được tham gia khoan ngay từ ngày đầu tiên và cũng là người đầu tiên" nghe" thấy dòng dầu phụt lên từ lòng biển ngay từ giây phút đầu tiên là ông Ngô Hữu Hải, khi đó là thợ khoan bậc 4/6... 

Bây giờ ông đang là TGĐ Công ty điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC)

 

 

Ông Ngô Hữu Hải, TGĐ Công ty điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC).

Tôi cùng nhóm làm phim của Trung tâm phim Tài liệu, Phóng sự VTV đi phỏng vấn ông Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC). Trong bộ phim ký sự lịch sử về 60 năm xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngô Hữu Hải phải xuất hiện khá nhiều, bởi lẽ, ông là nhân chứng của không ít sự kiện nổi bật của Tập đoàn Dầu khí trên một số công trình…

Tôi đã đi công tác với Ngô Hữu Hải nhiều lần. Khi thì ra giàn khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh; khi thì sang dự án khai thác dầu ở Bir Sebar tận sa mạc Sahara, đã nghe Hải kể nhiều chuyện về nghề khoan, khai thác dầu khí…

Trong buổi quay đầu tiên, ông kể về sự kiện tìm thấy dòng dầu đầu tiên.

Gọi dầu

 

Khi kể lại giây phút tìm thấy dầu trên giàn khoan MSP-1 vào lúc 9h30 ngày 26/6/1986, chợt Ngô Hữu Hải lặng người đi, nghẹn lời. Đôi mắt đỏ hoe, rồi ầng ậng nước trên gương mặt phương phi nhưng có phần khắc khổ, đượm chút phong trần…

Hình như trong ông, bỗng hiện lên gương mặt những anh em một thời gắn bó với nhau, không chỉ là ở công việc mà còn bằng khát vọng tìm dầu làm giàu cho Tổ quốc.

Bây giờ, đã 34 năm trôi qua, nhưng Ngô Hữu Hải vẫn nhớ như in cảm giác ngồi ôm ống khoan, áp tai vào thành ống để lắng nghe "tiếng thở" của lòng đất vọng lên từ độ sâu gần 4 cây số. Thuật ngữ của người dầu khí đó là giây phút "gọi dầu".

Nghe hai chữ "gọi dầu" thấy rất gần gũi và có vẻ như dòng dầu với người công nhân là bạn bè, là chiến hữu. "Tao gọi mày đấy, lên với tao đi". Lúc đó, giữa người công nhân với dòng dầu như gắn lại với nhau bằng một sợi dây vô hình…

 Ông Ngô Hữu Hải kiểm tra giàn khoan Hải Thạch.

Thật ra, "gọi dầu" chỉ là một cách gọi ngắn, dân dã của anh em làm nghề khoan khai thác, chứ để "gọi" được dầu là cả một công việc cực kỳ phức tạp và tính toán chi ly. Phải mở vỉa dầu ra, phải ép nước, ép khí xuống giếng như thế nào? Áp suất bao nhiêu? Tốc độ ép?, v.v và v.v... Rồi khi thực hiện hàng loạt các biện pháp kỹ thuật xong thì giây phút hồi hộp nhất, lo lắng nhất và cũng sung sướng nhất là ngồi chờ đợi. Bây giờ, thiết bị khoan cực kỳ hiện đại. Ngồi trong phòng điều khiển có thể biết được tất cả mọi chuyện đang xảy ra trong lòng đất, nhưng 34 năm trước thì hoàn toàn khác. Muốn biết được dầu có lên hay không, chỉ mỗi cách áp tai vào ống khoan và lắng nghe…

Ngô Hữu Hải, khi đó là thợ khoan bậc 4/6 giành lấy việc ngồi ôm ống khoan để "gọi dầu". Áp tai vào thành ống, ông ngồi từ hơn 6h sáng… Thi thoảng, lại có người chạy ra, nhìn ông bằng ánh mắt dò hỏi: "Nó lên chưa?"… Và, một khi thấy Hải lắc đầu, nỗi buồn trên gương mặt họ lại dâng lên chút ít.

Hải cứ ngồi như thế, đến nước chả buồn uống. Đến hơn 9h sáng, thì bỗng ông thấy ống khoan như rung lên cực nhẹ… Hải vội áp chặt tai vào thành ống và nghe thấy ngay tiếng dòng dầu lẫn khí đang lên. Âm thanh lúc đầu còn mơ hồ nhưng sau rõ dần… Đó là tiếng lạo xạo của đất, đá vụn cọ vào thành ống, rồi tiếng rít của dòng khí mỗi lúc một mạnh… Khi cảm thấy áp lực của dòng dầu đã đủ mạnh, Hải hét lên: "Mở van. Dầu lên rồi!".

Chỉ mười giây sau, một luồng khí lẫn dầu phụt thẳng lên trời.

Đó là lúc 9h 30 phút.

Tất cả công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô ôm lấy nhau, nhảy cẫng lên sung sướng. Rồi họ lấy dầu bôi vào quần áo, bôi cả lên mặt nhau. Mùi dầu, bình thường là hôi hôi, khen khét, nhưng sao lúc ấy thơm thế !? Ngô Hữu Hải muốn hít cho hơi dầu thấm vào từng phế nang của phổi…

Dùng nước tẩy máy để…tẩy dầu trên mặt

Mặt mũi ai cũng nhuộm đen dầu thô. Ngô Hữu Hải còn bôi lên cả tóc… Rồi giây phút sung sướng đến tột đỉnh cũng qua đi. Mọi người lại ai về việc ấy. Nhưng trước hết là phải rửa mặt, thay quần áo đã… Tới lúc này, mọi người mới tá hỏa ra là xà phòng 72% của Liên Xô không "đủ công lực" để làm sạch dầu bám trên mặt. Một sáng kiến "vĩ đại" được đưa ra: Dùng nước tẩy công nghiệp? Chả biết ai đưa ra sáng kiến ấy, nhưng bí quá hóa liều, anh em lấy can nước tẩy dành cho máy móc để… rửa mặt. Đúng là chất tẩy công nghiệp làm sạch dầu nhanh chóng. Nhưng báo hại cho Ngô Hữu Hải, da mặt anh bị sạm đen lại và không bao giờ trở lại mịn màng, hồng hào như trước nữa. Còn đôi lông mày thì cứ như bị dính bết vào trán, nom lúc nào cũng như bôi keo.

Tôi có lần hỏi Hải về "tại sao lại có nước da…là lạ thế?". Ngô Hữu Hải mới kể cho tôi nghe "sự tích" dùng nước tẩy công nghiệp để rửa mặt…

Những con gà đẻ trứng vàng

Gần đây, do một sự tình cờ, tôi được xem báo cáo về thành tích của Ngô Hữu Hải và cực kỳ ngạc nhiên khi thấy ông là tác giả, và đồng tác giả của ngót 100 sáng kiến cải tiến công tác quản lý, kỹ thuật được giải thưởng cấp Nhà nước, cấp Bộ, và cấp Tập đoàn. Ông cũng được hơn một chục giải thưởng quan trọng như Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN đợt V.

Nếu thống kê một cách chi tiết những công việc, chức vụ, và nơi công tác mà Ngô Hữu Hải đã trải qua thì phải hết vài trang A4, còn thống kê đầy đủ các công trình khoa học mà Hải là tác giả hoặc tham gia với nhiều vai trò khác nhau thì phải hàng trăm trang.

Ngô Hữu Hải nhận bằng chứng nhận kỷ lục Guinnes Việt Nam.

Mới đây nhất, từ ý tưởng của ông, mà Lễ chào cờ hàng tháng trên giàn khai thác khí và dầu Condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đã được Trung tâm Kỷ lục Guinness của Việt Nam trao tặng "Kỷ lục về nơi chào cờ ở xa đất liến nhất". Mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh nằm trong dự án Biển Đông 01, là mỏ nằm cách xa đất liền nhất về cực Đông Nam của Tổ quốc.

Dự án này hiện đang là "con gà đẻ trứng vàng" cho kinh tế Việt Nam với việc nộp ngân sách Nhà nước trung bình mỗi ngày 1 triệu USD. Dự án Biển Đông 01 khai thác khí và dầu condensate được coi là dự án "độc nhất vô nhị" trên thế giới bởi điều kiện cấu tạo địa chất quá phức tạp - Phức tạp chưa từng thấy. Sự phức tạp, khó khăn về kỹ thuật của nó khiến Công ty dầu mỏ danh tiếng trên thế giới là BP phải bỏ cuộc, sau khi mất 9 năm nghiên cứu và tiêu tốn hơn 500 triệu USD. Nhưng, những người thợ dầu khí Việt Nam sau khi nhận lại đã thực hiện thành công.

Nguyễn Như Phong

Tin mới