Sự kiện do Vụ ASEAN – Bộ Ngoại giao tổ chức có sự hiện diện của các Đại sứ, Đại biện, Tham tán, người đại diện các cơ quan ngoại giao của các Quốc gia và vùng lãnh thổ Cuba, Indonesia, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Đài Loan và Thái Lan.
Các Đại sứ ASEAN và lãnh đạo Tập đoàn TH.
Tại sự kiện, bà Wendy Matthews – Đại sứ New Zealand chia sẻ với những mất mát và thiệt hại mà người dân vùng lũ và Chính phủ Việt Nam vừa phải chịu đựng trong trận bão lũ vừa qua.
"Chúng tôi cũng có dự án trị giá 5 triệu USD New Zealand để đảm bảo đê điều cho Nghệ An. Khi phải chứng kiến hậu quả của những trận lũ lụt chúng ta càng thấy được tầm quan trọng của đê điều", bà Wendy Matthews cho biết.
Bên cạnh đó, bà Wendy cũng bày tỏ sự háo hức khi được tham quan trang trại quy mô lớn hàng đầu châu Á của TH. "Bản thân tôi là người được sinh ra và lớn lên từ trang trại, tôi sẽ chụp những tấm hình hình lưu niệm và chia sẻ với cha tôi, người thân và đồng nghiệp về chuyến đi thú vị này tới TH. Tôi rất ấn tượng với những gì mà Tập đoàn TH đã làm được trong 10 năm qua và hy vọng trong thời gian tới TH sẽ càng lớn mạnh và phát triển hơn nữa", bà Wendy chia sẻ.
Trước sự đánh giá cao của Đại sứ New Zealand, bà Thái Hương, Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho biết, trang trại chăn nuôi bò sữa sử dụng toàn bộ công nghệ quản lý đàn bò của Israel, quản lý thú y của New Zealand. Sau đàn bò giống từ NewZealand, hiện nay trang trại chủ yếu nhập giống bò cao sản thuần chủng từ Mỹ. Cùng với chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, Tập đoàn bắt đầu phát triển sản xuất các loại thực phẩm sạch và nước hoa quả, thảo dược.
Bà Thái Hương, Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH phát biểu tại sự kiện.
"Tôi mong muốn các vị khách quý có mặt ở đây sẽ là người kết nối để tất cả chúng ta chia sẻ và gánh vác cùng nhau vì lợi ích chung, bởi thực tiễn đã chứng minh trong khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng về dịch bệnh, các ngành chúng tôi đang đi chính là cứu cánh. Đó là ngành nông nghiệp, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm sạch – chất lượng cao để tăng sức đề kháng. Đó là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế và giáo dục để giúp người dân có sức khỏe và trí tuệ tốt hơn…", bà Thái Hương khẳng định.
Năm 2020 đánh dấu Việt Nam đảm đương vai trò Chủ tịch ASEAN, cũng là dịp tròn 25 năm Việt Nam tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Sự kiện Gặp gỡ Đại sứ ASEAN và Tập đoàn TH được tổ chức tại “thủ phủ bò sữa” của TH tại Nghĩa Đàn mang ý nghĩa cụm trang trại này trở thành “đại sứ” giới thiệu mô hình nông nghiệp công nghệ cao làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương, đại diện thương hiệu quốc gia Việt Nam đến với các quốc gia ASEAN và đối tác ASEAN.
Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của TH có vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD của TH nhanh chóng được triển khai. TH là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam, xác lập Kỷ lục cụm trang trại chăn nuôi tập trung công nghệ cao lớn nhất châu Á (năm 2015) với quy mô đàn bò lên tới hơn 45.000 con.
Trong 10 năm gây dựng và phát triển, trang trại đã tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, góp phần đổi mới ngành chăn nuôi bò sữa như: thực hiện thành công công nghệ cấy chuyển phôi phân ly giới tính để nhân giống đàn bò sữa cao sản HF thuần chủng; là trang trại đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chuyển đổi đồng cỏ, đàn bò sang chăn nuôi organic (hữu cơ) để sản xuất sữa tươi organic theo tiêu chuẩn Châu Âu EC 889-2008, EC 848-2018 tại Việt Nam; phân lập, tách đàn nhóm bò sữa mang gen A2A2, nhân giống theo phương pháp chọn lọc tư nhiên để sản xuất sữa A2…
Đặc biệt, với nguồn giống tốt vượt trội, được sống trong môi trường an toàn và chăm sóc dinh dưỡng chu đáo, đàn bò sữa của TH cho dòng sữa tươi lành với sản lượng và chất lượng rất cao, năng suất trung bình đạt 32 lít/con/ngày (305 ngày/chu kỳ) - đây là năng suất sữa cao nhất khu vực ASEAN.
Với Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao, Tập đoàn TH được đánh giá đã đặt viên gạch đầu tiên tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp sữa tươi sạch tại Việt Nam, thực hiện cuộc cách mạng sữa tươi sạch, góp phần làm thay đổi căn bản bản chất ngành sữa Việt Nam, thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi, giảm phụ thuộc vào sữa bột nhập ngoại. Tỷ lệ sữa nước chế biến từ sữa bột pha lại trên thị trường giảm từ 92% năm 2008 xuống còn dưới 60% hiện nay.
Đoàn tham quan trang trại bò sữa.
Sau hoạt động gặp gỡ giữa Đại sứ, Đại diện ngoại giao với lãnh đạo tập đoàn TH, đoàn đã tham quan Trang trại bò sữa số 3 và rất ấn tượng khi tận mắt chứng kiến bò sữa được tắm mát, nghe nhạc trước khi vào vắt sữa trong dàn vắt sữa sạch và khép kín hoàn toàn. Đặc biệt, chân bò được đeo chip điện tử, toàn bộ thông tin về bò được truyền vào hộp nhận tín hiệu tại Trung tâm vắt sữa và cập nhật vào máy tính, trong đó có các thông tin cảnh báo bệnh. Khi bò sữa có biểu hiện của bệnh trước 4 ngày, máy vắt sữa sẽ tự động từ chối vắt sữa đối với con bò đó, đảm bảo chỉ có bò sữa khỏe mạnh mới được bước vào dàn vắt.
Tại Nhà máy Nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên và Nhà máy Sữa tươi sạch TH, đoàn đã tham quan những dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất thế giới – là 2 mắt xích quan trọng trong quy trình sản xuất khép kín của TH đối với 2 định hướng phát triển là con đường sữa tươi sạch và con đường đồ uống tốt cho sức khỏe.
Tham quan nhà máy sữa.
Cánh đồng nguyên liệu của TH là điểm dừng chân cuối cùng tạo ra sự chú ý lớn của đoàn đại sứ khi những số liệu về năng suất thu hoạch áp dụng công nghệ cao và khoa học quản trị hiện đại được thống kê ở đây vượt xa so với các phương thức canh tác truyền thống. Theo số liệu của Trung tâm thức ăn thuộc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH, trong đợt thu hoạch gần nhất từ 10/08 đến 16/09 vừa qua, tổng sản lượng cỏ, ngô trên cánh đồng này được đưa về Trung tâm là 36.000 tấn, năng suất trung bình đạt tới 1.000 tấn/ngày.
Việc áp dụng các thành tựu cách mạng 4.0 và nông nghiệp đã giúp năng suất cỏ trên cánh đồng của TH lên tới 150 tấn/ha/năm, năng suất ngô 48 tấn/ha/vụ, gấp hàng chục lần so với các phương thức canh tác truyền thống.