Ngày mai (7/6), học sinh Trung Quốc sẽ bắt đầu tham dự kỳ thi tuyển sinh vào đại học – “gaokao” năm 2022. Riêng Thượng Hải – nơi vẫn đang phải chịu những ảnh hưởng của dịch bệnh – sẽ phải hoãn thi một tháng so với dự kiến ban đầu.
Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực, hàng triệu học sinh vẫn miệt mài ôn luyện để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này.
Số lượng thí sinh tham gia cao kỷ lục
“Gaokao” được xem là kỳ thi mang tính quyết định tới tương lai của nhiều người trẻ ở Trung Quốc. Bởi, điểm số của kỳ thi này sẽ quyết định phần lớn tới việc, liệu họ có thể vào được đại học hay không; ngôi trường nào sẽ nhận họ và nghề nghiệp nào đang chờ đợi họ trong tương lai.
Học sinh ôn luyện cho kỳ thi “gaokao”.
Năm nay, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi “gaokao” của Trung Quốc tăng cao kỷ lục, với khoảng 11,93 triệu học sinh - nhiều hơn 1,15 triệu so với năm ngoái. Các chuyên gia dự đoán, tỉ lệ chọi vào các trường đại học hàng đầu năm nay cũng sẽ “cao khủng khiếp”.
Khi tham gia kỳ thi, thí sinh phải hoàn thành 4 môn thi, bao gồm: Tiếng Trung, Tiếng Anh, Toán và một môn tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc Khoa học xã hội (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị). Đề thi chủ yếu là câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống, nổi tiếng là rất khó.
Nhiều học sinh Trung Quốc thậm chí đã phải học tới 15 – 16 tiếng mỗi ngày để chuẩn bị cho kỳ thi khốc liệt này.
Bắt đầu bước vào bậc trung học kể từ tháng 9/2019 - vài tháng trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Bobo, một học sinh ở Tân Cương cho hay, suốt những năm cấp 3, em và những người bạn của mình đã phải thích nghi với việc học trực tuyến. Điều này khiến Bobo cảm thấy không hiệu quả và rất khó tiếp thu.
Thậm chí, ngay cả khi trường học mở cửa trở lại, với quỹ thời gian hạn chế để chuẩn bị cho kỳ thi “gaokao”, Bobo cảm thấy rất khó để bù đắp những kiến thức thiếu hụt trong thời gian phải gián đoạn việc học trực tiếp. Vì vậy, nữ sinh thấy vô cùng áp lực trước kỳ thi này.
“Chúng em chính là những nạn nhân của đại dịch”, Bobo nói.
Không chỉ riêng Bobo, nhiều học sinh Trung Quốc thậm chí đã phải học tới 15–16 tiếng mỗi ngày để chuẩn bị cho kỳ thi khốc liệt này. Không khí ôn luyện căng thẳng, nên không ít học sinh dù phải thở bình oxy trong bệnh viện nhưng tay vẫn không rời khỏi cuốn sách.
Nhiều học sinh thậm chí đã phải uống thuốc nhằm giúp tăng cường trí nhớ hay khả năng tập trung. Có những nữ sinh, vì lịch thi trùng với kỳ kinh nguyệt, cũng đã phải uống thuốc làm chậm chu kỳ kinh nguyệt.
Không chỉ thí sinh, phụ huynh cũng vô cùng lo lắng trước kỳ thi này. Giúp con vượt qua kỳ thi đại học là ưu tiên lớn nhất, cho nên nhiều gia đình đã thuê phòng trọ nhỏ ngay gần trường để tiện chăm sóc con. Đến ngày thi, cha mẹ đặt khách sạn ngay gần điểm thi để con có thể nghỉ ngơi giữa hai buổi hoặc tránh bị tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm buổi sáng.
Đặt cả hy vọng vào con, một số bà mẹ đã mặc sườn xám đứng trước cổng trường thi với hy vọng trang phục truyền thống này sẽ mang lại may mắn cho việc thi cử của con.
Kỳ thi diễn ra nghiêm ngặt
Với số lượng khoảng 330.000 điểm thi, để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm ngặt và thành công, Trung Quốc cũng đã huy động sự tham gia của hơn 1,02 triệu người tiếp sức và làm các công tác tổ chức thi.
Trước thềm kỳ thi, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố số điện thoại để người dân kịp thời cung cấp manh mối, thông tin liên quan đến các hành vi gian lận thi cử.
Một số địa phương cũng đã trang bị các thiết bị chống gian lận đặt tại phòng thi và lắp camera giám sát với độ nét cao để ghi lại toàn bộ quá trình thi cử.
Kiểm tra nghiêm ngặt trước khi thí sinh bước vào phòng thi
Kỳ thi được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong năm nên những ngày này, các công trình xây dựng gần điểm thi cũng phải tạm hoãn thi công; giao thông cũng được chuyển hướng để tránh làm phiền thí sinh.
Tại Tây An, cảnh sát giao thông đã đặt các biển cảnh báo giảm tốc độ, cấm tuýt còi, cấm dừng xung quanh mỗi điểm thi để giảm tiếng ồn.
Tất cả các địa phương đều hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng radio có âm độ cao hoặc các thiết bị tạo tiếng ồn khác trong thời gian kỳ thi diễn ra.
Bên cạnh đó, xe cứu thương luôn túc trực bên ngoài cổng, phòng trường hợp thí sinh suy sụp do căng thẳng thần kinh.