Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gạo lứt, gạo nếp cẩm và nếp than có gì khác biệt?

(VTC News) -

Gạo lứt, gạo nếp cẩm và nếp than đều chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên chúng có nhiều khác biệt về độ dẻo, hương vị, dinh dưỡng, cách chế biến...

Với thành phần dinh dưỡng quý giá, cả gạo lứt, gạo nếp cẩm và nếp than đều giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, tăng khả năng tiêu hóa và làm đẹp da. Việc kết hợp các loại gạo này với một số thực phẩm xanh sẽ giúp chất dinh dưỡng được hấp thụ dễ hàng hơn.

Gạo lứt, gạo nếp cẩm và nếp than có gì khác biệt?

Ba loại này nhìn có vẻ giống nhau nhưng thực ra có nhiều khác biệt và không thể dùng thay thế nhau trong các món ăn hoặc công thức nấu nướng.

Gạo lứt, gạo nếp cẩm và nếp than có gì khác biệt? (Ảnh: verywell Health)

Gạo lứt là loại gạo đã bị lột vỏ trấu nhưng vẫn giữ lại lớp cám bên ngoài. Gạo lứt thường không có màu trắng như gạo thông thường (đã xát kỹ) do còn giữ lại lớp cám, và giàu dinh dưỡng hơn.

Gạo nếp cẩm là một giống gạo nếp nổi tiếng với hương vị đặc biệt và màu sắc đẹp mắt. Có 2 màu chính là đỏ đậm và tím đen, khi nấu lên hạt gạo vẫn giữ được màu sắc đặc trưng này, tạo nên sự hấp dẫn trong các món ăn. Nếp cẩm thường được trồng ở các tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Sơn La. 

Còn nếp than là tên một giống gạo nếp dẻo và thơm có màu tím đặc trưng và chứa nhiều chất chống oxy hóa, thường được trồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng…  

Gạo lứt, gạo nếp cẩm và nếp than có những khác biệt sau:

Hình dạng và màu sắc gạo

Gạo nếp cẩm có hình dạng tròn mẩy và đầy đặn, giống với loại gạo nếp thông thường. Màu sắc của gạo nếp cẩm chủ yếu là màu đỏ đậm và tím đen, bụng hơi ngả vàng. Khi nấu lên, hạt gạo vẫn giữ được màu sắc đặc trưng này.

Hình dáng, màu sắc gạo lứt tùy thuộc vào giống gạo. Với những loại gạo khi xát kỹ có màu trắng thì gạo lứt có vỏ vàng nâu, một số giống gạo có màu đen hoặc đỏ.

Còn hạt gạo nếp than có màu đen đậm hơn – gần như đen kín cả hạt gạo, hạt thon dài, dẹt và đều đặn hơn.

Gạo nếp cẩm thường được trồng ở khu vực các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam như Điện Biên, Sơn La.  (Ảnh: Wikipedia)

 Độ dẻo và hương vị 

Gạo nếp cẩm có độ dẻo cao; khi nấu chín, các hạt gạo có xu hướng bám dính vào nhau, tạo thành một khối hỗn hợp. Gạo nếp cẩm chín mềm, giữ được hương vị đặc trưng và màu sắc đẹp mắt, thường được sử dụng để làm các món ăn truyền thống và đặc biệt phổ biến trong các món chè, xôi, bánh nếp.

Trong khi đó, gạo lứt không có độ dẻo, các hạt cơm rời nhau và không bám dính như gạo nếp cẩm. Khi ăn gạo lứt, bạn sẽ thấy vị ngọt dịu, ăn không ngán và phải nhai kỹ mới nuốt được.

Còn nếp than có hương vị khá tương đồng với nếp cẩm, khi nấu thành xôi cũng dẻo nhưng không mềm và dẻo bằng nếp cẩm.

Dinh dưỡng

Gạo lứt, gạo nếp cẩm và nếp than rất khác nhau về mặt dinh dưỡng. 

Gạo nếp cẩm: Chứa một lượng lớn carbohydrate, cung cấp năng lượng cho cơ thể; là nguồn canxi, vitamin B, chất xơ và phốt pho. Các thành phần này đều mang lại nhiều lợi ích, giúp xương và răng chắc khỏe, hỗ trợ chức năng thần kinh và trao đổi chất, duy trì sự ổn định của đường huyết và phát triển và bảo vệ xương.

Gạo lứt: Chứa một lượng protein tương đối cao, cung cấp chất xơ và kali. Protein giúp xây dựng và bảo vệ cơ bắp, chất xơ giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, và kali cần thiết để duy trì cân bằng nước giữa các tế bào. Ngoài ra gạo lứt còn giúp ổn định đường huyết, giảm tình trạng viêm thần kinh ngoại biên, giảm acid uric.

Nếp than: Là một trong những thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. So với các loại gạo nếp thường, thành phần dưỡng chất trong gạo nếp than khá nhiều vitamin và các khoáng cần thiết.

Ngoài ra, gạo nếp than còn chứa chất chống ôxy hóa anthocyanin. Chính chất này tạo nên màu sắc đen đặc trưng của gạo. Anthocyanin có tác dụng cải thiện mức cholesterol và chất béo trung tính trong máu, nhờ đó giúp tránh bệnh tim.

Gạo nếp than thường được trồng ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long như Long An; Cần Thơ, Sóc Trăng…  (Ảnh: Fareastricemill)

Phương pháp nấu ăn

Gạo lứt, gạo nếp cẩm và nếp than có sự khác biệt về độ dẻo và hương vị nên cách chế biến cũng khác nhau.

Gạo lứt: Bạn có thể sử dụng gạo lứt đen trong các món ăn hàng ngày như cơm lứt, hay cháo lứt. Cần ngâm gạo trước khi nấu.

Gạo nếp cẩm: Là loại gạo dẻo, do đó chế biến thành xôi nếp cẩm sẽ thích hợp hơn. Bên cạnh đó, gạo nếp cẩm cũng có thể được sử dụng làm bánh nếp, chè nếp, hay xôi nếp tùy theo sở thích và khẩu vị.

Gạo nếp than: Nếp than trước khi nấu nên ngâm 30 – 45 phút để gạo nở mềm, khi nấu nhanh chín và dẻo hơn. Nếp than có thể chế biến thành nhiều món như rượu nếp than, xôi nếp than, cháo nếp than, sữa chua nếp than... 

Đối tượng sử dụng

Gạo lứt, gạo nếp cẩm và nếp than có khác biệt cả về đối tượng sử dụng. Gạo lứt chứa nhiều chất xơ, tạo cảm giác no, rất tốt cho quá trình giảm cân và tăng cường thể lực; những người muốn tập thể hình nên chọn gạo lứt. Tuy nhiên, vì trong thực phẩm này có quá nhiều chất xơ nên những người tiêu hóa kém không nên ăn, mỗi tuần chỉ ăn cơm gạo lứt từ 2-3 lần, ăn nhiều sẽ gây khó tiêu.

Gạo nếp cẩm chứa ít chất xơ nên những người bị dạ dày không nên ăn. Xôi và cháo gạo nếp cẩm dễ tiêu hóa và hấp thụ, thích hợp cho người già và trẻ em.

Gạo nếp than là một loại thực phẩm khá lành tính, chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt có lợi cho những người thiếu máu. Tuy nhiên, bản chất của nếp than vẫn là nếp, vì thế những người giảm cân, ăn kiêng không nên lạm dụng mà chuyển sang ăn gạo lứt để đem lại hiệu quả giảm cân tốt hơn.

Nguyệt Ánh (Tổng hợp)

Tin mới