Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gần 30 năm sống trong quên lãng của Hội đồng HLV quốc gia

(VTC News) -

Người hâm mộ dường như đã quên đi sự tồn tại của Hội đồng HLV quốc gia dù đây là tổ chức tập hợp các HLV có chuyên môn và danh tiếng hàng đầu Việt Nam.

Khi đội tuyển Việt Nam trải qua giai đoạn khó khăn, dư luận đặt ra câu hỏi rằng ngoài huấn luyện viên trưởng Philippe Troussier chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn, ai có nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ, tham mưu cho ban huấn luyện và đánh giá sự thành công, thất bại sau mỗi giải đấu?

Đặt ra vấn đề này, người hâm mộ Việt Nam có thể liên tưởng ngay tới câu chuyện vừa xảy ra ở Hàn Quốc. Chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển xứ kim chi gắn chặt với một hội đồng chuyên môn gọi là "Ủy ban tăng cường sức mạnh của đội tuyển quốc gia", trực thuộc Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA).

Tổ chức này gồm 11 chuyên gia - huấn luyện viên, cựu cầu thủ - có tiếng nói quyết định trong việc tuyển chọn và giám sát công việc của HLV trưởng đội tuyển quốc gia Hàn Quốc, từ việc sa thải HLV Jurgen Klinsmann đến chọn ông Hwang Sun-hong thay thế, bỏ qua cái tên Park Hang Seo.

Ông Nguyễn Sỹ Hiển (thứ ba từ trái sang) - Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia - tham dự buổi họp của lãnh đạo VFF với HLV Troussier.

Bóng đá Việt Nam cũng có một "tổ tư vấn" như vậy - chính là Hội đồng huấn luyện viên quốc gia. Tuy nhiên, sự tồn tại của cơ quan này dường như bị lãng quên trong nhiều năm. Dấu ấn của Hội đồng HLV quốc gia rất mờ nhạt và hầu như không được nhắc đến.

Các thành viên của hội đồng không phải là không có năng lực. Đứng đầu là cựu cầu thủ, HLV Nguyễn Sỹ Hiển. Danh sách ủy viên có những tên tuổi lớn như Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng - đều là những nhà cầm quân có nhiều thành tích, chứng minh được năng lực và xây dựng uy tín với giới chuyên môn.

Đâu là nguyên nhân khiến "tổ tư vấn" cấp cao của bóng đá Việt Nam bị lãng quên?

Gần 30 năm 'sống trong quên lãng'

Hội đồng HLV quốc gia được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thành lập vào năm 1998. Theo tôn chỉ ban đầu, hội đồng được thành lập với mục đích tập hợp và vận dụng trí tuệ của các HLV hàng đầu để tư vấn nhiều bài toán chuyên môn quan trọng của bóng đá Việt Nam như lựa chọn các HLV cho đội tuyển quốc gia, đào tạo, phát triển chuyên môn cho các HLV và bảo vệ quyền lợi của các HLV.

Hội đồng HLV Quốc gia nhiệm kì 2023-2026.

Chủ tịch đầu tiên của hội đồng là ông Lê Thế Thọ - danh thủ tiếng tăm một thời của bóng đá Việt Nam, người giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF thời điểm ấy. Tiếng là một tổ chức lâu đời, được ưu tiên thành lập và phát triển nhưng mãi 18 năm sau, hội đồng mới có quy chế hoạt động rõ ràng.

Quy chế hoạt động của hội đồng HLV quốc gia được ban hành kèm theo quyết định số 132/QĐ-LĐBĐVN ban hành ngày 4/4/2016. Đây được xem là bản quy chế chính thức đầu tiên. Trước đó, hoạt động của hội đồng thuộc quyền quản lý của thường trực VFF. Một nhiệm kỳ của hội đồng HLV quốc gia tương ứng với nhiệm kỳ của VFF.

Khi có quy chế rồi, hoạt động của hội đồng cũng chẳng rõ ràng hơn. Có lẽ đa số người hâm mộ không biết, không hiểu rằng một tổ chức gồm nhiều nhà cầm quân uy tín như vậy làm những công việc cụ thể gì, hiệu quả ra sao và đóng góp đến đâu trong thành công/thất bại của đội tuyển quốc gia.

Thậm chí, có cả những lời đồn thổi rằng hội đồng lập ra cho có để các thành viên "ngồi mát ăn bát vàng".

“Hội đồng HLV Quốc gia trên danh nghĩa là có, nhưng hoạt động không rõ ràng. Các thông tin không xuất hiện trên đại chúng rất ít, phần đông mọi người không hiểu được”, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận xét.

Thông tin về hội đồng HLV quốc gia rất ít khi được nhắc đến. Phải đến khi trang chủ của VFF đăng bức ảnh buổi họp của lãnh đạo VFF và HLV Troussier mới đây, trong đó có sự tham dự của ông Nguyễn Sỹ Hiển, chúng ta mới sực nhớ ra sự tồn tại của Hội đồng HLV quốc gia.

Sau nhiều năm, người ta mới thấy một buổi họp như vậy, dù theo người trong cuộc tiết lộ, hội đồng HLV quốc gia chủ yếu chỉ “tiếp nhận thông tin” chứ ít “phản hồi”.

Trước đó, lần gần nhất hội đồng này được dư luận chú ý là vụ ồn ào với HLV Nguyễn Hữu Thắng vào năm 2017, sau thất bại của U23 Việt Nam ở SEA Games 29.

Khi đó, chủ tịch hội đồng Nguyễn Sỹ Hiển đưa ra những đánh giá về chuyên môn (gồm cả những điểm tốt và chưa tốt) của HLV Hữu Thắng trong thời gian dẫn dắt U23 Việt Nam. Nhà cầm quân người Nghệ An sau đó chỉ trích ngược lại, nói rằng ông chẳng nhận được tư vấn gì từ hội đồng trong suốt 2 năm làm việc.

Nhân sự ít thay đổi, thiếu tính phản biện

Trong nhiều năm qua, thay đổi lớn nhất về mặt nhân sự của hội đồng HLV quốc gia xuất hiện vào giai đoạn 2014-2015. Ông Trần Quốc Tuấn – khi đó là Phó chủ tịch VFF - được Thường trực VFF khóa VII bầu làm Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia dù chưa từng làm công việc huấn luyện.

Ông Trần Quốc Tuấn từ chức vào tháng 10/2015 vì nhiều lý do, giới thiệu ông Mai Đức Chung thay thế. Sau đó, chức danh này được trao cho ông Nguyễn Sỹ Hiển - người đảm nhiệm vai trò chủ tịch hội đồng trong giai đoạn 2010-2014.

Ông Trần Quốc Tuấn từng là chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia.

Tính từ thời điểm hội đồng được thành lập, ông Nguyễn Sỹ Hiển luôn có mặt. Ông Hiển là thành viên trong hội đồng đầu tiên. Phần lớn thời gian từ năm 2010 đến năm 2024, cựu danh thủ này vẫn nắm vai trò chủ tịch và quá trình này chỉ bị gián đoạn trong hơn một năm khi ông Trần Quốc Tuấn nắm quyền.

Tương tự như vậy, các thành viên khác như bà Đoàn Thị Kim Chi, ông Phan Thanh Hùng, ông Mai Đức Chung hay ông Lê Huỳnh Đức đều giữ ghế suốt 10 năm qua. 

Có nhiều lý do khiến hội đồng HLV quốc gia thiếu tính phản biện và yếu tố đầu tiên xuất phát từ chính đặc điểm nhân sự. Ông Nguyễn Sỹ Hiển được người trong nghề đánh giá là chuyên môn tốt. Tuy nhiên, ông rời xa bóng đá đỉnh cao từ lâu. Mức độ ảnh hưởng và tiếng nói của nhà cầm quân này nhiều khi chỉ còn ở góc độ “lão làng”. 

Trong khi đó, các thành viên còn lại thường xuyên bận bịu với những công việc chuyên môn riêng. Ông Chung làm HLV trưởng ở đội Bình Dương, Thanh Hoá rồi đội tuyển nữ Việt Nam. HLV Phan Thanh Hùng và HLV Lê Huỳnh Đức cũng có công việc ở V.League. Cựu tuyển thủ Kim Chi là HLV trưởng đội nữ TP.HCM.

Ngoài ra, tính cách của các thành viên phần nào cũng ảnh hưởng tới hiệu quả phản biện. Ngoài HLV Lê Huỳnh Đức được nhìn nhận là nhà chuyên môn có cá tính "gai góc", các HLV khác của hội đồng vẫn có tiếng là “dĩ hoà vi quý”.

Ông Nguyễn Sỹ Hiển (trái) có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam nhưng dấu ấn ở hội đồng HLV quốc gia vẫn mờ nhạt.

"Tổ tư vấn" bị xem nhẹ

Sự mờ nhạt của hội đồng cũng đến từ yếu tố khách quan. Trên thực tế, Hội đồng HLV quốc gia đúng nghĩa chỉ là "tổ tư vấn", không có quyền quyết định điều gì cả. Họ có thể tham mưu, đưa ra ý kiến, góp ý nhưng hiệu quả đến đâu vẫn phụ thuộc vào ý chí của những bộ phận tiếp nhận.

Năm 2011, Hội đồng HLV quốc gia do ông Lê Thế Thọ làm chủ tịch từng phản đối việc sa thải HLV Falko Goetz khi được ban chấp hành VFF tham vấn. Tuy nhiên, ý kiến này không giúp nhà cầm quân người Đức giữ được ghế.

Trước đó nhiều năm, ông Nguyễn Sỹ Hiển từng “nuốt cục tức vào trong” khi nói mà không ai nghe. Trước khi VFF ký hợp đồng với HLV Christian Letard, ông Hiển trực tiếp sang Pháp kiểm tra lý lịch của nhà cầm quân này.

Kết quả không mấy khả quan, ông Hiển báo cáo trung thực rằng chẳng ai biết Letard là ai, mọi thứ không đẹp như hồ sơ. Cuối cùng VFF vẫn thuê ông Letard và câu chuyện sau đó chỉ toàn là rắc rối.

Từ trường hợp thất bại như Letard, Miura, Hữu Thắng cho đến người thành công hiếm có như ông Park Hang Seo, có khi chính HLV trưởng đội tuyển quốc gia còn chẳng có nhu cầu tiếp thu ý kiến của hội đồng. 

“Chúng tôi chỉ có thể ủng hộ, giúp sức HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Không thể can thiệp công việc của họ. Nhiều thứ còn bị ràng buộc bởi hợp đồng kí kết và người ta rồi có nghe ý kiến không”, một thành viên của hội đồng trả lời VTC News. 

Mai Phương

Tin mới