Sáng nay (7/4), hơn 94.000 học sinh chủ yếu khu vực phía Nam dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Kỳ thi được tổ chức ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Thừa Thiên Huế, Bình Phước và Tây Ninh.
TP.HCM là địa phương có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với 39,4 nghìn học sinh tham dự. Số thí sinh dự thi được phân bổ ở 17 điểm thi là các trường đại học trên địa bàn.
Tiếp theo là Bình Định có hơn 5.000 học sinh tham dự. Các tỉnh thành Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Dương mỗi tỉnh có từ khoảng từ 3000- 4.000 học sinh tham dự. Gần 20 tỉnh, thành còn lại mỗi nơi có khoảng một vài nghìn học sinh tham dự. Thí sinh dự thi được phân bổ ở một vài trường đại học đóng trên địa bàn.
Nhiều thí sinh tỏ ra khá thoải mái khi tham dự kỳ thi đánh giá năng lực và xem đây là một “kênh” để xét tuyển vào đại học. (Ảnh: Xuân Dung)
Có mặt từ sáng sớm tại điểm thi Trường phổ thông Năng khiếu (Quận 5, TP.HCM) - Bảo Anh, học sinh Trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, khá lo lắng nhưng cũng không căng thẳng. Với Bảo Anh tham kỳ thi như thêm một cơ hội để xét tuyển vào đại học năm nay. Em dự tính, khi có kết quả kỳ thi và tham khảo điểm chuẩn năm ngoái mới xác định đăng ký vào trường đại học.
Điểm thi Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (TP Thủ Đức) có 2.310 thí sinh dự thi. Nhà trường huy động 238 cán bộ, giảng viên tham gia với vai trò giám sát, thư ký, cán bộ coi thi hỗ trợ giải đáp những thắc mắc và hướng dẫn cụ thể cho các thí sinh. Ngoài ra, trường cũng bố trí đội ngũ sinh viên đảm nhận nhiệm vụ tiếp sức cho thí sinh để hướng dẫn, chỉ đường.
Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 của ĐH Quốc gia TP.HCM là một trong 4 phương thức xét tuyển của khối các trường đại học trực thuộc, thậm chí cả một số trường khác cũng sử dụng kết quả này.
Thí sinh muốn xét tuyển cần tốt nghiệp THPT và tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đạt mức điểm theo quy định. Năm ngoái, ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển với tất cả các ngành là từ 650 điểm; còn điểm trúng tuyển 650 - 900 điểm, cao nhất là 900 điểm ở ngành Dược học, 800 điểm ở các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Quản trị kinh doanh, Digital Marketing, tất cả các ngành còn lại ở mức 650 - 750 điểm.
Điểm thi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng có hơn 2.000 thí sinh dự thi. Nhiều thí sinh rất thoải mái trước giờ làm bài.
Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trước giờ thi. (Ảnh: Lê Tiên)
Tính đến thời điểm này khoảng 96 trường đại học và cao đẳng sẽ sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển. Trong đó, dành phần nhiều chỉ tiêu tuyển sinh vẫn là các trường trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM như: Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhân văn, Quốc tế, An Giang, Công nghệ thông tin, Kinh tế - luật...
Phía ĐH Quốc gia TP.HCM khẳng định, như thường lệ kỳ thi đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút.
Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh.
Bài thi chú trọng đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn của bản thân.
Nhiều năm tổ chức thi đánh giá năng lực nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM không công bố đề thi. Trước đó, từng có một vài sự cố như thất thoát đề thi dù chưa đầy đủ. Lý do vì sao không công bố, từng chia sẻ với VietNamNet, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM nói rằng: Quan điểm của ĐH Quốc gia TP.HCM rất rõ ràng, thi để đánh giá quá trình học của thí sinh, do vậy học quan trọng, thi không phải quan trọng.
“Đề thi đánh giá năng lực hỏi tổng quát rộng, đánh giá những năng lực cơ bản của thí sinh, nếu chúng ta công bố đề thi cuối giờ thi là đang cổ súy cho việc thi, chứ không phải cổ súy cho việc học. Xã hội sẽ quan tâm đến việc luyện đề hay những thủ thuật để giải đề tốt - đây không phải là chủ trương của ĐH Quốc gia TP.HCM. Chủ trương là coi kỳ thi rất nhẹ nhàng, thí sinh học là quan trọng nhất”.
Thí sinh tranh thủ ăn sáng trong khi được cán bộ coi thi, nhân viên hướng dẫn sơ đồ phòng thi. (Ảnh: Lê Tiên)
Mặt khác, theo TS Chính, việc công bố đề không ảnh hưởng, không làm nâng cao chất lượng của kỳ thi, không làm nâng cao năng lực của thí sinh khi đi học. Ngược lại, làm cho xã hội hiểu nhầm rằng, ĐH Quốc gia TP.HCM quan tâm đến kỳ thi chứ không phải việc học.
“Cho đến nay, chúng tôi vẫn kiên định như thế. Việc xã hội biết 120 câu hỏi đề thi đánh giá năng lực không có giá trị tốt về mặt phát triển học thuật, mà có tác dụng xấu làm định hướng đi luyện thi. Chúng tôi quan tâm đến chất lượng học tập chứ không phải thí sinh luyện thi như thế nào”.
TS Nguyễn Quốc Chính cũng chia sẻ, hiện nay ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM rất lớn với hàng nghìn câu hỏi. Từ ngân hàng này nếu, mỗi đề thi 120 câu, số tổ hợp đề vô cùng lớn. Mỗi năm, sau khi thi xong những câu hỏi đã thi không được sử dụng lại, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục bổ sung vào ngân hàng nhiều câu hỏi.
“Do vậy, xác suất thí sinh luyện một số đề thi để hy vọng “trúng tủ” hoặc cách làm là vô cùng ít. Chúng tôi khuyên thí sinh không cần phải luyện thi”, ông Chính nhấn mạnh.