Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gameshow truyền hình giữa mùa dịch khiến khán giả lắc đầu ngán ngẩm

(VTC News) -

Gameshow truyền hình đang bước vào giai đoạn thoái trào và khi dịch COVID xuất hiện, gameshow lại càng khiến khán giả "bội thực" vì nội dung nhàm chán, cẩu thả.

Hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, người Việt đón nhận một món ăn tinh thần mới là gameshow truyền hình. Đó cũng là giai đoạn đánh dấu sự phát triển vượt bậc của công nghệ truyền hình và sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực sản xuất các chương trình giải trí trên màn ảnh nhỏ. Thế nhưng, sự dịch chuyển từ bão hòa đến thoái trào của game show là điều không khó để nhận ra. Và đặc biệt, gameshow giữa mùa dịch COVID-19 càng khiến cho khán giả phải ngán ngẩm vì nội dung vốn đã nhàm chán nay lại càng cẩu thả hơn.

Thoái trào của gameshow truyền hình

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của làn sóng gameshow truyền hình, có những công ty quảng cáo hoặc những công ty truyền thông được thành lập chỉ nhằm một mục đích duy nhất là thực hiện gameshow.

Gameshow giúp các đài truyền hình có được nguồn doanh thu lớn, mà hầu như không cần đầu tư gì về nhân lực và vật lực. Gameshow được dàn dựng bên ngoài đài truyền hình và được phát sóng theo một hợp động kinh tế khá chi tiết và khá cởi mở.

Ca sĩ Erik thành quán quân "The Heroes" 2021 trong lặng lẽ.

Chưa kể, gameshow Việt chưa đủ mà những gameshow lấy format nước ngoài ngày càng mọc lên như nấm. Những gameshow thuần Việt như “Trúc xanh” hoặc “Đố vui để học” dần dần nhường chỗ cho gameshow nước ngoài hay những gameshow mang ý nghĩa từ thiện xã hội như “Ngôi nhà mơ ước”, “Lục lạc vàng”, Vượt lên chính mình” hoặc “Như chưa từng có cuộc chia ly” cũng đành chịu thua trước sự cạnh tranh khốc liệt của những gameshow vui vẻ, trẻ trung.

Ngoài gameshow “Ai là triệu phú” tương đối bền vững, thì số lượng gameshow ra đời vội vàng và biến mất nhanh chóng chẳng thể nào thống kê cho đầy đủ. Chỉ riêng ba thương hiệu ăn khách là Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình TP.HCM và Đài truyền hình Vĩnh Long đã nảy nở hơn 100 gameshow truyền hình.

Với sự bùng nổ về số lượng như vậy, vì sao lại bi quan về sự loay hoay thoái trào của game show?. Ngoài quy luật hoa nở hoa tàn, thì một nguyên nhân quan trọng nhất để gameshow nước ta kém chất lượng là không biết lượng sức mình. Những nhà sản xuất cứ tranh nhau chiếm sóng rồi giở các chiêu trò chụp giật để hốt bạc nhất thời, mà không quan tâm đến giá trị đích thực của gameshow.

Hiện nay có bao nhiêu gameshow do người Việt Nam nghĩ ra để phô diễn khả năng của người Việt Nam?. Câu trả lời là hầu như không có. Các gameshow ồn ào nhất, đều mua bản quyền tư nước ngoài, bằng tâm lý “thấy người ta ăn khoai thì mình cũng vác mai đi đào”.

Các nhà sản xuất không thèm chú ý rằng, phương Tây có kiểu giải trí của phương Tây, mà chưa chắc phương Đông đã theo đồng cảm và đồng tình.

Đã "nhạt" nay còn "ẩu"

Dịch COVID-19 khiến nhiều gameshow truyền hình phải tạm dừng ghi hình hoặc tìm cách thích ứng. Các chương trình như "Cuộc đua kỳ thú", "Thách thức danh hài", "Nhóm nhảy siêu Việt", "Siêu tài năng nhí", "A đây rồi" đều buộc phải ngưng sóng dù đã đi được vài số.

Thông thường, các gameshow chỉ quay vài ba tập gối đầu. Vừa quay vừa phát nên khi gặp chuyện, họ nhanh chóng bị động. Nhưng khi đợt giãn cách kéo dài hơn dự kiến, các nhà sản xuất không còn ngồi yên được nữa. Họ phải tìm cách sống chung với dịch. Vì thế, gameshow theo phong cách "quay hình tại gia" ra đời.

"Ghép đôi thần tốc", "Cuộc đua kỳ thú", "Tâm đầu ý hợp", "Ông mai hẹn hò", "Mẹ chồng nàng dâu", "Ca sĩ bí ẩn" đều kết nối người chơi bằng video call. Từ MC, thí sinh đến giám khảo đều tự biên tự diễn ở nhà và ghi hình bằng điện thoại, máy ảnh rồi gửi cho nhà sản xuất dựng lại.

Nhiều gameshow ghi hình online trong mùa dịch.

Hậu trường ghi hình của danh hài Trường Giang trong chương trình "Nhanh như chớp" khiến nhiều người cười bò khi anh tận dụng quạt máy, bóng đèn, máy hình để ghi hình ở nhà. Vì để nghệ sĩ, người chơi tự quay hình hoặc kết nối online nên chất lượng hình ảnh, âm thanh luôn bị khán giả la ó.

Chưa kể, hình ảnh tự ghi lại bị tối, âm thanh thì tiếng được tiếng mất hoặc bị rè. Nhiều nghệ sĩ ăn mặc luộm thuộm, phông cảnh ở nhà bừa bộn, tạm bợ nhưng vẫn để y nguyên khi lên hình. Để sản xuất nhanh, kịp tiến độ phát sóng, nhà sản xuất lắm khi bê nguyên xi những khung hình dễ dãi, cẩu thả như thế lên đài.

Sự cẩu thả còn bộc lộ ở khâu biên tập, điển hình là chương trình hút người xem "Rap Việt" cũng liên tục dính lùm xùm. 

"Rap Việt" bị tố vi phạm bản quyền khi hình ảnh poster gameshow có sử dụng hình ảnh đồ họa của một nhà thiết kế nước ngoài nhưng ekip lại chưa hề xin phép nhà thiết kế này. Không chỉ một mà liên tiếp ba tấm poster được ekip thực hiện để quảng bá chương trình đều bị tố vi phạm bản quyền. Cùng với đó, "Rap Việt" còn vướng phải tranh cãi khi sử dụng khẩu trang của một thương hiệu mà không xin phép. Việc vi phạm bản quyền hình ảnh với một chương trình lớn như "Rap Việt" được người trong ngành đánh giá là vô cùng cẩu thả và nghiêm trọng.

Ngoài sự sơ sài, cẩu thả về kỹ thuật, hình thức thì nội dung nhàm chán cũng khiến gameshow mùa dịch trở thành thảm họa. "The Heroes" quay được vài số ở trường quay cũng phải chơi chiến thuật "ai ở đâu, ở yên đó". Gameshow tranh tài ca hát bỗng chốc hóa thành talkshow xoay quanh chuyện nghệ sĩ ở nhà chống dịch thế nào, tâm tư của họ mùa dịch, nghệ sĩ động viên nhau vượt qua dịch bệnh. Liên tiếp nhiều tập liền, "The Heroes" chỉ xoay quanh đề tài như vậy khiến khán giả ngán ngẩm chuyển kênh.

Thực trạng trên khiến nhiều nhà đài bây giờ không còn coi gameshow là món ngon trên sóng truyền hình. Cái thời gameshow là "con gà đẻ trứng vàng" đã trở thành quá vãng. Gameshow truyền hình đang đứng trước viễn cảnh là một món giải trí nhàm chán và nguội lạnh. 

THẢO NGUYÊN

Tin mới