Những năm gần đây, ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc theo đuổi lối sống “Không con cái, không nhẫn cưới”. Với họ, đây cách để duy trì cuộc sống độc lập và tự do phát triển bản thân.
Nhiều phụ nữ, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nói rằng họ không vội kết hôn và sinh con.
Dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình, chính phủ Trung Quốc đã đề cao những giá trị gia đình và tầm quan trọng của nữ giới trong vai trò là người chăm sóc. Đây là những thông điệp mà nhiều phụ nữ cho rằng không còn phù hợp với họ, theo Wall Street Journal.
Liang Wei (28 tuổi) chỉ hẹn hò nhiều nhất một năm kể từ khi chia tay mối quan hệ nghiêm túc cuối cùng cách đây 4 năm. Với công việc ổn định tại một công ty tư vấn du học ở Thượng Hải, cô hoàn toàn có khả năng độc lập về tài chính.
Cô đã nói với cha mẹ ở quê rằng đừng gây áp lực cho cô vì “có lẽ con sẽ không bao giờ lấy chồng".
Tương tự Wei, Caroline Chen (32 tuổi), một huấn luyện viên cá nhân ở Bắc Kinh, cũng hài lòng với cuộc sống độc thân và có những sở thích riêng như quay video, đi chơi cùng bạn bè.
Chen nói rằng ở quê cô - cách Bắc Kinh khoảng một giờ đi tàu cao tốc - nhiều phụ nữ cùng tuổi đã kết hôn từ lâu và có con.
“Nếu ai đó đề cập đến hôn nhân, tôi sẽ bỏ chạy”, Chen bày tỏ.
Kết hôn và sinh con là 2 điều gây áp lực cho phụ nữ trẻ ở Trung Quốc. (Ảnh: Global Times)
Từ lâu, những nhà lãnh đạo của nước này luôn tự hào về việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Trong những năm đầu cầm quyền, cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông đã kêu gọi phụ nữ tham gia lực lượng lao động để góp phần xây dựng đất nước và ngừng kết hôn, sinh con. Sau đó, nhiều sắc lệnh được đặt ra để giới hạn mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một con để tránh tình trạng dân số tăng nhanh.
Trong thời gian ông Tập nắm quyền, các khẩu hiệu đã thay đổi nhằm nhấn mạnh "gia đình, giáo dục gia đình và đức tính gia đình" cùng với nỗ lực kiểm duyệt phong trào về quyền của phụ nữ.
Giới trẻ xứ Trung không mặn mà với việc lập gia đình. (Ảnh: Quartz)
Các nhà nhân khẩu học cho rằng tỷ lệ sinh đã giảm mạnh vào năm 2020. Đây lần giảm thứ tư liên tiếp sau khi tăng nhẹ vào năm 2016, thời gian đầu sau khi chính sách một con được dỡ bỏ.
Leta Hong Fincher, tác giả của 2 cuốn sách về phụ nữ Trung Quốc, nói: “Thách thức lớn nhất đối với chính phủ là phụ nữ phải chống lại áp lực kết hôn và sinh con”.
Theo Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California, vào năm 1990, hầu hết nữ giới xứ Trung kết hôn trước 30 tuổi. Tuy nhiên, 25 năm sau, giáo sư Wang ước tính khoảng 1/5 phụ nữ ở nhiều thành phố lớn như Thượng Hải vẫn chưa kết hôn trước sinh nhật thứ 30 của họ.
Tuy chính quyền Trung Quốc có nhiều nỗ lực, tỷ lệ kết hôn hàng năm vẫn giảm đều. Vào năm 2019, có 6,6/1.000 người đăng ký kết hôn. Một phần nguyên nhân của vấn đề này đến từ chính sách một con. Nhiều thập kỷ thực thi sắc lệnh này đã dẫn đến số người trong độ tuổi lập gia đình ít dần đi.
Cùng với những báo động về tỷ lệ ly hôn gia tăng, các nhà chức trách đã thiết lập giai đoạn “hòa giải” trong 30 ngày trước khi chính thức chia tay.
Feng Yuan, nhà đồng sáng lập của Equality, một tổ chức ở Bắc Kinh chuyên ngăn chặn bạo lực phụ nữ, nói rằng việc chờ đợi có thể gây bất lợi cho phụ nữ khi họ đang cố gắng thoát khỏi cuộc hôn nhân độc hại nếu bên kia từ chối ly hôn.
Một thẩm phán cấp cao cho hay trong các vụ ra tòa ly hôn, hơn 70% là do phụ nữ chủ động. Thông thường, thẩm phán sẽ từ chối hồ sơ lần đầu, yêu cầu các cặp vợ chồng cố gắng hòa giải.
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ, chỉ có 38% vụ ly hôn được xử lý tại tòa án vào năm 2018, mức thấp nhất từ trước đến nay.
Số người kết hôn ở Trung Quốc đang có chiều hướng giảm dần. Ảnh: CNN.
Ethan Michelson, một nhà xã hội học của Đại học Indiana, người đã phân tích hàng chục nghìn trường hợp ly hôn từ năm 2009-2016 ở hai tỉnh Trung Quốc, phát hiện ra rằng những phụ nữ bị bạo hành gia đình không có khả năng thoát khỏi người chồng vũ phu.
Những ngày gần đây, dân mạng Trung Quốc đã phàn nàn về quá trình ly hôn khó khăn sau khi nghe tin về một tòa án tỉnh Hồ Nam từ chối yêu cầu ly hôn của một phụ nữ đến 4 lần.
Ning Shunhua, nạn nhân trong vụ việc, bày tỏ sự thất vọng vì tòa án không xem xét bằng chứng về việc chồng đánh cô.
Tòa án Nhân dân quận Hành Dương đã thông báo trên tài khoản Weibo rằng họ đang xử lý yêu cầu lần 5. Họ từ chối xử lý những lần trước vì cô Ninh không cung cấp đủ bằng chứng và chồng cô đã nhiều lần cầu xin tha thứ.
Theo Wall Street Journal, xã hội và giới truyền thông ở quốc gia đông dân nhất thế giới ngày càng cởi mở về ly hôn hoặc sống độc thân.
Trong bộ phim truyền hình nổi tiếng lấy bối cảnh ở Thượng Hải có tên "Nothing But Thirty", một nhân vật nữ đã quyết định ly hôn với chồng trong khi cô gái khác chật vật khi không tìm thấy tình yêu.
Wang Zheng, giáo sư nghiên cứu về nữ giới tại Đại học Michigan, cho biết nếu chính phủ muốn bảo vệ hôn nhân và tăng tỷ lệ sinh, họ nên có các chính sách hỗ trợ quyền làm mẹ cũng như không đặt gánh nặng này lên phụ nữ.
Joseph Chamie, người dành 25 năm nghiên cứu mô hình dân số ở Liên Hợp Quốc, nhận định sự sụt giảm trong các chính sách tài trợ của nhà nước với việc chăm sóc trẻ em là một trong những lý do khiến phụ nữ Trung Quốc chọn nghỉ việc.
Nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn sống tự do để theo đuổi ước mơ riêng. (Ảnh: The Wall Street Journal)
“Thách thức đối với nhiều quốc gia đang tìm cách tăng tỷ lệ sinh, bao gồm cả Trung Quốc, là sự cân bằng mà phụ nữ phải đối mặt giữa sự nghiệp và chăm sóc con cái, gia đình”, Chamie nói.
Jiang Xinyu (55 tuổi), làm giúp việc gia đình ở Bắc Kinh, cho biết bà đã nghe chính phủ kêu gọi "kết hôn và sinh con muộn" khi còn trẻ. Vì thế, bà đã quyết định lấy chồng vào năm 31 tuổi.
“Vào thời đó, dù ở nông thôn hay thành phố, lấy chồng muộn là điều tốt. Tôi hy vọng cô con gái 22 tuổi sẽ chọn cuộc sống ở một thành phố, nơi mà phụ nữ có nhiều tiếng nói hơn trong cuộc sống, thay vì trở về quê. Khi lập gia đình, tôi rất vất vả để chăm sóc gia đình. Cuộc sống không hề dễ dàng”, bà Jiang bày tỏ.