Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết, nhóm các nước G7 (Nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới) cho biết sẽ giữ nguyên mức giá áp trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Trong khi đó một số nước phương Tây lại kêu gọi G7 nên hạ mức áp trần khi giá dầu thế giới đang tăng mạnh nhằm hạn chế nguồn thu từ dầu thô của Moskva.
Mức áp trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga được G7 và Australia thông qua vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên mức áp trần có thể sẽ thay đổi tùy theo thị trường dầu.
Các nước phương Tây cho rằng việc áp mức giá trần đối với dầu thô Nga sẽ khiến Moskva mất đi nguồn thu chính cho phép nước này tiếp tục các hoạt động quân sự ở Ukraine.
Nhóm G7 cho rằng các lệnh trừng phạt đối với dầu thô Nga đang phát huy hiệu quả mức áp trần giá 60 USD/thùng là phù hợp. (Ảnh: Reuters)
Thông tin G7 giữ nguyên mức giá áp trần xuất hiện sau khi giá dầu thế giới có dấu hiệu tăng nhẹ bởi OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác) đưa ra quyết cắt giảm sản lượng vào tháng 5 tới đây. Cùng với đó là sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc bình thường trở lại.
Giá dầu thô Brent và dầu WTI của Mỹ cũng đã tăng lên mức 80 USD/thùng trong phiên giao dịch vào sáng 17/4.
Nguồn tin của Reuters cho biết dầu thô của Nga đã được bán với giá thấp hơn khoảng 30 USD so với dầu Brent.
Các quan chức của nhóm G7 kết luận rằng mức áp trần giá hiện tại vừa đủ hạn chế doanh thu của Nga vừa duy trì sự ổn định của thị trường năng lượng, nhưng cho biết họ sẽ tiếp tục phối hợp để đảm bảo giám sát và thực thi hiệu quả các lệnh cấm vận đối với xuất khẩu dầu thô Nga.
Bên cạnh đó G7 cũng sẽ tăng cường nỗ lực chống lại việc trốn áp trần giá và các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga, bao gồm cả việc sử dụng các hành vi gian lận để tiếp cận bảo hiểm và các dịch vụ khác của các nước thành viên G7 đối với dầu được giao dịch trên giá trần.
Các thành viên của liên minh có kế hoạch cung cấp hướng dẫn để giúp các nhà cung cấp dịch vụ xác định các dấu hiệu cảnh báo về việc gian lận và chống các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như thay đổi định vị của tàu chở dầu hoặc không liệt kê chi phí vận chuyển, cước phí, hải quan và bảo hiểm riêng biệt với dầu mỏ.
Cũng trong ngày 17/4, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra cảnh báo cho các công ty nước này về khả năng Nga sẽ tìm cách tránh lệnh trừng phạt đối với các đơn hàng xuất khẩu dầu thô thông qua đường ống Đông Siberia - Thái Bình Dương (ESPO) và các cảng ở miền đông nước Nga. Đồng thời cảnh báo các công ty Mỹ nên giữ lại các giấy tờ chứng minh họ mua dầu từ Nga thấp hơn hoặc bằng mức áp trần giá.
Giới hạn giá dầu cấm các công ty thuộc G7 và Liên minh châu Âu cung cấp dịch vụ vận tải, bảo hiểm và tài chính cho các sản phẩm dầu và dầu của Nga nếu chúng được bán trên mức trần.
Nguồn tin của Reuters cũng dẫn lại báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) kết luận rằng lệnh trừng phạt của G7 đã có hiệu quả "trong việc không hạn chế nguồn cung cấp sản phẩm và dầu thô toàn cầu, đồng thời hạn chế doanh thu xuất khẩu của Nga".
IEA cho biết doanh thu từ xuất khẩu dầu tháng 3/2023 của Nga đã tăng 1 tỷ USD so với tháng 2 lên 12,7 tỷ đô la, nhưng vẫn thấp hơn 43% so với một năm trước đó.
Quan chức G7 cho biết xuất khẩu dầu thô của Nga ổn định ở mức trên 3 triệu thùng/ngày và thị trường toàn cầu ổn định.