Điều đó không có nghĩa là các quốc gia khác không quan trọng - Đức và Nhật Bản vẫn là những nền kinh tế lớn tiên tiến, Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ. Một cường quốc trung bình như Australia mang ảnh hưởng đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi nước này đứng giữa sự phân chia giữa các siêu cường.
"Nhưng chính mối quan hệ Washington- Bắc Kinh sẽ xác định thời đại của chúng ta và ngay bây giờ nó đang ở một bước ngoặt lớn" - Grant viết. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại leo thang: một trò chơi để xem ai chớp mắt trước.
Ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump. (Ảnh: AP)
Quan trọng là hai nhà lãnh đạo: Donald Trump và Tập Cận Bình. Họ đã tự hào về mối quan hệ thân thiết của mình trước đây, nhưng vẫn chưa đủ để có được một thỏa thuận về thương mại. Tờ Financial Times tuần này mô tả bầu không khí chung là "độc hại" và nói rằng "niềm tin không có gì ngoài sự sụp đổ".
Có lẽ hai nhà lãnh đạo chia sẻ quá nhiều điểm chung: Cả hai đều đặt đất nước của họ lên hàng đầu và nói về việc trở lại sự vĩ đại. Ngoài ra, cả hai nước đều bỏ qua Tổ chức Thương mại thế giới.
Ông Trump đã cho thấy ông muốn làm lung lay trật tự toàn cầu do Mỹ đứng đầu, từ việc đặt câu hỏi về tương lai của NATO, đến việc áp thuế thương mại đối với các đồng minh và đối tác kinh tế trên đường tới hội nghị G20 và chỉ trích quốc gia chủ nhà Nhật Bản không thể hiện trọng lượng trong liên minh quốc phòng với Mỹ. Nếu nước Mỹ tham chiến, ông nói, người Nhật sẽ "xem nó trên tivi Sony" hơn là tham gia cùng.
Trung Quốc, cùng với Ngân hàng Đầu tư và Hạ tầng Châu Á, trong khi đó đang xây dựng mạng lưới ảnh hưởng của riêng mình, sáng kiến Vành đai và Con đường - 1 nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và đầu tư tại hơn 60 quốc gia chiếm 40% GDP toàn cầu. Họ tuyên bố và quân sự hóa (phi pháp) trên biển Đông, bỏ qua phán quyết của Tòa án Hàng hải ở The Hague.
Khi hai người khổng lồ chiến đấu về thương mại, có những lo ngại gia tăng về một cuộc xung đột nguy hiểm hơn.
Các nhà phân tích cảnh báo về "Bẫy Thucydides" - định luật địa chính trị được cho là có từ thời chiến tranh của Sparta và Athens cổ đại, rằng một sức mạnh đang trỗi dậy và một sức mạnh suy yếu không thể tránh khỏi sẽ gặp nhau trên chiến trường. Theo chuyên gia về các vấn đề quốc tế, Christopher Coker, logic với các quốc gia hùng mạnh rằng "nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh".
Coker nhận định chiến tranh có thể tránh được nhưng cảnh báo nếu nó nổ ra thì có thể sẽ xảy ra trong thập niên tới. Nó phụ thuộc vào cách hai cường quốc thể hiện sự cạnh tranh này.
Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, trong tháng 6 đã nói với các nhà lãnh đạo châu Âu: "Trung Quốc muốn trở thành cường quốc kinh tế và quân sự thống trị thế giới, truyền bá tầm nhìn độc đoán cho xã hội và các tập quán tham nhũng của họ trên toàn thế giới".
Chiến lược an ninh quốc gia gần đây nhất của Mỹ một lần nữa làm rõ thế giới đang trong kỷ nguyên của sự cạnh tranh quyền lực lớn. Nga và Trung Quốc được mệnh danh là mối đe dọa lớn nhất - hơn cả khủng bố quốc tế - các quốc gia "muốn định hình một thế giới phản đối các giá trị và lợi ích của Mỹ". Đây là sự xung đột của các giá trị.
Các nhà quan sát còn nói về một cuộc xung đột của nền văn minh và ý thức hệ. Ông Tập Cận Bình từng nói về việc chiến đấu trong “trò chơi lâu dài”, dùng những từ như “hy sinh” và “máu”. Ông cảnh báo về các mối đe dọa bên ngoài và chủ nghĩa tư bản.
George Magnus từ Đại học Oxford, trong một cuốn sách đã cảnh báo Trung Quốc về 4 “cái bẫy”: bẫy nợ, bẫy tiền tệ, bẫy tuổi (già hóa dân số) và bẫy thu nhập trung bình. Ông Tập Cận Bình, phát biểu trước hội nghị của đảng năm 2017, cảnh báo nền kinh tế đang mất cân bằng và thiếu sáng tạo. Đây là một lời cảnh báo mà các lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra trong hơn một thập niên.
Tóm lại, trò chơi với Trung Quốc là một trò chơi nguy cơ cao, trong đó thương chiến với Mỹ chỉ là một yếu tố, dù tương đối lớn.
Theo Grant, ông Tập cũng biết có nhiều trở ngại cho "sự trở lại" của Trung Quốc. Mỹ vẫn lấn át Trung Quốc về mặt kinh tế và quân sự thuần túy. Họ có các liên minh toàn cầu nơi Trung Quốc chỉ có giao dịch.
Mason Richey, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học nghiên cứu quốc tế Hankuk ở Seoul nói với Al Jazeera: "Tôi nghĩ rằng Trump sẽ quan tâm đến việc phát huy mặt tích cực của các mối quan hệ mà Mỹ có với các đồng minh và đối tác chiến lược cho dù đó là Nhật Bản, NATO hay đó là Ấn Độ.
"Và tôi nghĩ theo một cách nào đó, ông ấy đang chơi trò cảnh sát tốt- cảnh sát xấu với chính mình. Ông ấy đóng vai cảnh sát xấu với Nhật Bản và Ấn Độ về các vấn đề an ninh và về các vấn đề thương mại. Bây giờ ông ấy lại đang phát huy mặt tích cực của mối quan hệ, nói về mối quan hệ của Mỹ gần gũi với Ấn Độ và Nhật Bản như thế nào. "
Ông Abe mô tả cuộc đối thoại ba bên Mỹ - Nhật - Ấn tại G20, nói nhóm này là "nền tảng của hòa bình và thịnh vượng trong khu vực."
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung có thể chưa đạt được một thỏa thuận lớn, nhưng có một sự tính toán đầy đủ về mối quan hệ trong tương lai. Thủ tướng Australia Scott Morrison nói răng cuộc tranh giành quyền lực toàn cầu đồng nghĩa với việc thế giới cần “sửa chữa khẩn cấp” hệ thống dựa trên các quy tắc, trong khi Bộ trưởng Thương mại nước này, Simon Birmingham nói quyền lực đi kèm trách nhiệm.
Đối với ông Tập Cận Bình và ông Trump, trách nhiệm bắt đầu từ chính quê nhà của họ, và cả hai dường như đều quyết tâm đặt ra những quy tắc phù hợp với mình.
Các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 quốc gia đang họp tại thành phố Osaka, Nhật Bản. Đứng đầu chương trình nghị sự là cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
G20 là một diễn đàn của các nhà lãnh đạo quốc tế bao gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu. Nhóm này đại diện cho hơn 80% sản lượng kinh tế của thế giới và hai phần ba dân số. Mục đích chính của họ là thúc đẩy sự ổn định tài chính quốc tế.